Ảnh hưởng của blockchain tới an toàn thông tin
Blockchain có thể giúp các giao dịch được thực hiện an toàn hơn, bảo vệ chống lại cuộc tấn công nhất định và thậm chí, ở một mức độ nào đó, nó giúp loại bỏ sự cần thiết của sử dụng mật khẩu.
Blockchain là gì?
Blockchain bao gồm một chuỗi các khối, được thiết kế để có thể tránh được bất kỳ sửa đổi nào sau đó. Một khi các dữ liệu đã được đưa vào blockchain, bằng cách sử dụng kỹ thuật dừng thời gian tin cậy và liên kết với block trước đó, thì không thể quay trở lại và thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong bản ghi. Blockchain đã trở thành một công cụ giá trị lớn và trở nên lý tưởng cho các vấn đề an toàn thông tin. Nó cũng được sử dụng cho việc phân tích dữ liệu để lưu trữ và xác nhận dữ liệu. Đây là thành tựu nhiều năm kết hợp của những tiến bộ trong mật mã học và công nghệ thông tin.
Các chuyên gia đã bắt đầu phân tích tiềm năng của blockchain đối với các dịch vụ được cung cấp bởi các máy chủ DNS. Do tính không thể bị phá vỡ và tính phi tập trung của blockchain, nên nếu công nghệ này được sử dụng để thay thế hệ thống tên miền, thì các tấn công từ chối dịch vụ DDoS sẽ trở thành không thể.
Một ứng dụng tổng quát hơn là sử dụng blockchain trong mật mã học. Vì nội dung các khối (blocks) trong blockchain không thể thay đổi, bằng cách sử dụng phép băm liên tiếp với kỹ thuật mật mã trong cấu trúc phi tập trung, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống, trong đó thao tác dữ liệu bất hợp pháp là việc hầu như không thể.
An toàn thông tin chắc chắn đang đi theo con đường thích ứng với công nghệ blockchain trong tương lai không xa. Sự khác biệt cơ bản trong phương pháp tiếp cận công nghệ này cho phép vượt qua giới hạn của thiết bị đầu cuối, bao gồm nhận dạng kỹ thuật số người sử dụng, truyền thông tin và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Đây là những biến đổi rất phức tạp, nhưng chúng ta đã thấy những kết quả ban đầu của cách tiếp cận này.
Xét theo quan điểm kỹ thuật, vốn là cơ sở dữ liệu phân tán và phụ thuộc lẫn nhau, blockchain là một nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của khối, nó có thể không được triển khai như ý tưởng ban đầu. Trong khi các blockchain công cộng không hạn chế những người được tiếp cận dữ liệu (có thể hoặc không được mã hóa) hoặc thực hiện các giao dịch, thì trong các blockchain riêng tư, các hoạt động này chỉ cho phép một số người nhất định.
Các blockchain công cộng đảm bảo tính trong suốt, còn blockchain riêng tư cung cấp mức độ kiểm soát cao hơn, nhưng chỉ từ phía quản trị viên. Trong cả hai trường hợp, chúng ta có thể tìm thấy các lỗ hổng an toàn, thường gián tiếp liên quan đến công nghệ (ví dụ: thị trường chợ đen tiền ảo). Hiện nay, blockchain đang là công nghệ mới phát triển và cần phải hoàn thiện trong nhiều năm tới. Cũng như bất kỳ công nghệ nào, blockchain sẽ phải đối mặt với bối cảnh công nghệ thay đổi: sự xuất hiện của điện toán lượng tử, những thay đổi trong luật pháp, siêu máy tính….
Ngô Linh
Theo SecurityLab.ru