Gartner: 50% tội phạm kinh doanh sẽ lợi dụng dữ liệu lớn để trục lợi

08:08 | 13/02/2015 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Sáng 6/2/2015, tại Hà Nội, Gartner đã tổ chức sự kiện “Gartner Predicts 2015” với nội dung chính xoay quanh dự báo về các xu hướng công nghệ trên thế giới và trong khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2015.

Tham dự có lãnh đạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có giám đốc công nghệ các ngân hàng lớn ở Việt Nam và một số doanh nghiệp CNTT-TT như Bkav, FPT, VTC...
Ông Darryl Carton, Giám đốc Nghiên cứu của Gartner đã chia sẻ các xu hướng về kinh doanh số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, đáng chú ý là đến năm 2018, 50% tội phạm kinh doanh sẽ sử dụng phương thức phân tích dữ liệu lớn để thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều sự cố rủi ro xảy ra trong cộng đồng, mà trong đó nguyên nhân là do sử dụng không đúng cách các dữ liệu lớn.


Xu hướng phát triển dữ liệu lớn đang tiếp đà tăng trưởng cùng với sự phát triển mạnh các thiết bị kết nối mạng (xu hướng Internet kết nối vạn vật - Internet of Things) như máy bán hàng tự động, thiết bị gắn trong container để theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa, xe hơi thông minh, thiết bị y tế thông minh gắn trên người... Gartner dự đoán đến năm 2020, trên toàn thế giới sẽ có 25 tỷ thiết bị được kết nối Internet. Đây là nguồn dữ liệu khổng lồ, có thể được khai thác để phục vụ hữu hiệu cho cuộc sống của con người.

"Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn được tuyệt đối sự thâm nhập thông tin trái phép vào các hệ thống kết nối mạng để khai thác các dữ liệu lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp cần ý thức đúng mức về nguy cơ rủi ro, tăng khả năng xác định mối đe dọa cũng như khả năng chống chọi với sự tấn công để duy trì hệ thống hoạt động thông suốt", ông Darryl Carton nhấn mạnh.
Ông Darryl Carton cũng lưu ý một trong những vấn đề đáng quan ngại và còn nhiều luồng ý kiến trái chiều trong sử dụng, khai thác dữ liệu lớn là vấn đề đạo đức kinh doanh.
"Vài năm trước đã xảy ra sự cố dùng khí độc tấn công tại một ga tàu ở Nhật Bản. Để kiểm soát rủi ro, các cơ quan chức năng đã lắp đặt 70 camera ở khu vực xung quanh nhà ga để thu nhập dữ liệu về cách thức di chuyển của hành khách và nhận diện khuôn mặt để nhanh chóng xác định kẻ tình nghi. Hành vi này đã khiến cho công chúng Nhật Bản rất tức giận vì họ cho rằng thu thập dữ liệu như vậy là hành vi vi phạm quyền riêng tư của cá nhân. Trong khi đó, tại Singapore, người dân lại rất ủng hộ việc lắp đặt camera quan sát để đảm bảo an toàn an ninh", ông Darryl Carton nêu dẫn chứng.
"Vấn đề cần bàn thảo kỹ lưỡng hiện nay là nghiên cứu và ban hành những hướng dẫn, quy chuẩn về đạo đức kinh doanh để sử dụng dữ liệu lớn đúng cách, không vi phạm quy chuẩn, đạo đức được xã hội chấp nhận. Đã có trường đại học yêu cầu sinh viên mỗi khi tiến hành dự án nghiên cứu thực tế một hệ thống CNTT-TT lớn đều phải nộp phiếu cam kết rõ về hành vi sử dụng dữ liệu để phân tích", giám đốc Gartner chia sẻ thêm.

 Một số dự đoán đáng chú ý khác của Gartner: 
- Đến năm 2018, ít nhất 15% doanh nghiệp hàng đầu sẽ bị những nhà cung cấp mà doanh nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cạnh tranh trực tiếp trở lại. Các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng khi thuê ngoài dịch vụ của một nhà cung cấp khác, quản lý tốt hệ thống cơ sở dữ liệu và xác định rõ những thông tin nghiệp vụ chỉ trao đổi trong tổ chức.
- Đến năm 2018, hơn 30% dự án chính quyền điện tử sẽ sử dụng dữ liệu mở, đặc biệt là các dự án về quản lý đất đai, thiên tai, ứng phó sự cố thảm họa... Hiện tại, ở Đan Mạch đã sử dụng dịch vụ hoàn trả thuế, trong đó, tất cả dữ liệu đều mở.
- Đến năm 2017, 25% nhà cung cấp phần mềm sẽ tổ chức lại để đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, một ứng dụng sẽ có thể chạy được trên đa nền tảng, đa thiết bị từ PC đến di động...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới