Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP

14:00 | 22/09/2017 | CHỨNG THỰC ĐIỆN TỬ
Sáng 21/9/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức Hội thảo về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số với sự tham gia của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ; Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, các đơn vị ứng dụng chữ ký số cùng đại diện các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số tại Việt Nam.

Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ chữ ký số tham gia đóng góp cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Qua đó, đề xuất các kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định.

http://antoanthongtin.vn/Portals/0/UploadImages/News/Images/Gop-y-nghi-dinh26_1.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Nghị định 26/2007/NĐ-CP áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; cơ quan, tổ chức phát triển ứng dụng sử dụng chữ ký số; cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong giao dịch điện tử. Nghị định đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để định hướng phát triển và quản lý thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số. Được ban hành trong bối cảnh dịch vụ chứng thực chữ ký số chưa hình thành và trong quá trình triển khai thực tiễn, Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nên vấn đề xây dựng Nghị định thay thế là cần thiết.

Tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Thành đánh giá, sau 10 năm triển khai, Nghị định 26/2007/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, cũng như phù hợp xu thế phát triển của thị trường....

Hiện nay, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng, là hạ tầng an toàn thông tin cốt yếu góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử và phát triển thương mại điện tử. Hiện tại, đã có 09 tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Số lượng chứng thư số công cộng được cấp và sử dụng chủ yếu để khai thuế qua mạng, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội. 

Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đã trình bày các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định mới bao gồm 9 Chương, 83 Điều. Nội dung sửa đổi bao gồm: Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp phép đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; phân biệt dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan, tổ chức với dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp; một số quy định đối với các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng, cung cấp giải pháp chữ ký số; quy định về chứng thư số, chữ ký số nước ngoài. Nghị định mới bổ sung quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; bổ sung 01 chương (chương VIII) về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ. Nghị định mới cũng bỏ các quy định liên quan đến khiếu nại, bồi thường, thanh tra.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định mới. Trong đó, đa số các đại biểu đều thống nhất về tính cấp thiết của Nghị định thay thế và tập trung ý kiến về việc gia hạn cấp giấy phép, bổ sung phương thức để kiểm tra chữ ký số và kiến nghị gia hạn thời hạn sử dụng chữ ký số dài hơn. 

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách an ninh mạng, tập đoàn BKAV đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và một số khó khăn, vướng mắc khi sử dụng dịch vụ chứng thực số trong giao dịch với doanh nghiệp. Ông Tuấn Anh kiến nghị, Nghị định mới cần bổ sung gia hạn vào nghiệp vụ để quản lý chứng thực chữ ký số. Ông cũng chia sẻ một số bất cập khi kê khai thủ tục hải quan, khi chữ ký số hết hạn thì phải mua mới, nhưng ID của chữ ký số mới bị thay đổi và phải đăng ký lại trên hệ thống của Hải quan. Trong khi đó, hệ thống của Hải quan sau 12 giờ đêm mới tiến hành cập nhật, dẫn đến hàng hóa không được thông quan trong ngày.

Đại diện Tập đoàn Viettel cũng nêu một số ý kiến cần sửa đổi và làm rõ trong Nghị quyết mới như: việc gia hạn giấy phép, bỏ quy định chứng thư cấp cho chức danh của nhà nước hoặc người có thẩm quyền cũng phải nêu rõ chức danh; làm rõ thuật ngữ “hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số”; cần xây dựng quy tắc, chủ trương ban hành Nghị định mới; bỏ bớt các thủ tục hành chính không cần thiết; một số điều khoản nên đưa vào mục văn bản chuyên biệt.

http://antoanthongtin.vn/Portals/0/UploadImages/News/Images/Gop-y-nghi-dinh26_2.jpg
Ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chia sẻ về việc gia hạn chữ ký số, mỗi cặp khóa trên chữ ký số có hạn tối đa 5 năm để tránh ảnh hưởng đến độ an toàn của chữ ký và quyền lợi của thuê bao.

Bích Thủy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới