Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc hội, gần 30 đại biểu Quốc hội và hơn 100 cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm an toàn an ninh thông tin của Việt Nam, cùng một số khách mời quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đã giới thiệu về sự kiện tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3/2015. Đây là sự kiện lớn và rất quan trọng mà Việt Nam được vinh dự tổ chức. Dự kiến trong chương trình của Đại hội sẽ bàn luận và thông qua Nghị quyết về chủ đề “Chiến tranh mạng – Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”. Bởi vậy, Hội thảo này nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề có liên quan để hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU - 132.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ “Sự ra đời, phát triển của máy tính và mạng internet đã tạo nên những đột phá trong kết nối, chia sẻ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Với những ưu thế vượt trội, máy tính và internet tác động đến mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội”… “Mặt trái của internet đã và đang cung cấp những phương tiện đắc lực để phát động một cuộc chiến tranh gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn tác động đến cả độc lập, chủ quyền, hòa bình và ổn định của các quốc gia, dân tộc”.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Chiến tranh mạng là vấn đề mới, phức tạp và khá nhạy cảm. Trên phạm vi quốc tế, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về chiến tranh mạng còn chưa được làm rõ hoặc có những ý kiến khác nhau. Do đó, Nghị quyết của Liên minh Nghị viện thế giới nếu được thông qua sẽ trở thành văn bản quốc tế quan trọng làm cơ sở để đề cao vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trong hợp tác, đấu tranh nhằm ngăn chặn chiến tranh mạng. Là một thành viên có trách nhiệm và là nước chủ nhà của IPU-132, Quốc hội Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc Đại hội đồng IPU sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về chủ đề “Chiến tranh mạng – Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”. Đây là nội dung quan trọng, do đó, việc tham gia thảo luận và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Đoàn ĐBQH Quốc hội Việt Nam tham dự IPU-132 cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.”
Tại hội thảo, báo cáo tham luận của các cán bộ lãnh đạo và các chuyên gia đến từ Cục Tác chiến Điện tử, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục An ninh mạng (Bộ Công an), Ban Cơ yếu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đại diện Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Hội tin học Việt Nam… đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn các vấn đề liên quan tới chiến tranh mạng và khuyến cáo các giải pháp, các cơ chế phòng, chống loại hình chiến tranh này.
Tại đây, bài tham luận với chủ đề
“Nguy cơ, thách thức và giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các mạng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trước mối đe dọa của chiến tranh mạng” do Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày đã kiến nghị các biện pháp tổng thể để phòng chống nguy cơ chiến tranh mạng đối với các mạng thông tin trọng yếu của quốc gia.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Trên tinh thần khoa học và ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự hội thảo đã bàn luận, phân tích, đánh giá về nguy cơ, mối đe dọa của chiến tranh mạng tới an ninh quốc gia và hòa bình thế giới, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo