An ninh mạng - cơ hội hay thách thức cho quan hệ Nga - Mỹ
NHỮNG LEO THANG CĂNG THẲNG TRONG QUAN HỆ NGA - MỸ
Quan hệ Nga - Mỹ vốn dĩ đã ở vào tình trạng “cơm chẳng lành - canh chẳng ngọt” khi mà những bất đồng về hệ tư tưởng, lợi ích và vị thế giữa hai quốc gia luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra căng thẳng. Chưa kể đến những bất đồng và cáo buộc lẫn nhau xung quanh các vấn đề chính trị về địa chiến lược như cuộc chiến tại Afghanistan, tranh chấp lãnh thổ tại Ukraina hay sự hợp tác về đường ống dẫn dầu giữa Nga và Đức... thì những vụ tấn công mạng cũng là một trong các lý do đang khiến cho các gam màu trong bức tranh tổng thể về quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng ảm đạm.
Trên phương diện không gian mạng, cả hai bên vẫn được cho là luôn tìm các biện pháp do thám, gián điệp và đánh cắp thông tin của nhau. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật để đánh cắp thông tin hoặc triển khai các hình thức tình báo, gián điệp mạng lại càng được tổ chức tinh vi hơn cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng. Trong một bài phát biểu trực tuyến với sinh viên viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey (Mỹ) gần đây, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã dẫn số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, hầu hết các vụ tấn công mạng trên toàn thế giới đều được thực hiện từ những địa chỉ mạng trên lãnh thổ Mỹ. Trong năm 2020, đã có 45 vụ tấn công mạng nhắm vào các căn cứ của Nga, với 35 vụ trong số đó được điều phối từ Mỹ.
Về phần mình, Mỹ cũng thường xuyên lên án các vụ tấn công do các băng nhóm tội phạm mạng người Nga thực hiện vào hệ thống của các công ty Mỹ nhằm đánh cắp dữ liệu. Thậm chí cho đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục cáo buộc Nga đã có những hành động can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống của Mỹ thông qua các hoạt động trên không gian mạng. Cụ thể, vào cuối năm 2015, một nhóm tin tặc người Nga đã sử dụng các email lừa đảo để chiếm quyền truy cập vào các hộp thư điện tử và máy tính của một vài thành viên ủy ban dân chủ quốc gia, qua đó đã tiết lộ các tài liệu khẳng định chiến thắng của Donald Trump. Tiếp đó, vào năm 2017, một tin tặc nói tiếng Nga có tên giao dịch là Rasputin - người bị tình nghi là đã tham gia vào vụ đánh cắp thông tin trong chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ vào năm trước lại tiếp tục thực hiện các vụ tấn công nhắm vào hơn 20 trường đại học cũng như một số cơ quan chính phủ Mỹ.
Ngay trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, Mỹ cũng cáo buộc các tin tặc Nga đã có các hoạt động cố gắng đánh cắp thông tin liên quan đến các chương trình phát triển vaccine của Mỹ. Cũng vào cuối năm 2020, nước Mỹ bị chấn động bởi vụ tấn công mạng cũng được cho là của nhóm tin tặc liên quan đến Nga vào một thành phần cập nhật của SolarWinds [1], điều này khiến cho nhiều tổ chức chính phủ và tập đoàn công nghệ lớn trở thành nạn nhân của các vụ tấn cộng. Trong khi phạm vi của vụ tấn công này vẫn chưa được xác định cụ thể, thì giới chuyên gia vẫn lấy đó là một điển hình cho điểm yếu an toàn của các chuỗi cung ứng có thể khiến các công ty tư nhân và chính phủ Mỹ gặp tổn thất trong khi học quá chú trọng vào các hệ thống phòng vệ khác.
Sự lạnh nhạt trong quan hệ Nga - Mỹ càng được đẩy lên cao hơn trong tháng 5/2021 khi mà Mỹ liên tiếp hứng chịu các cuộc tấn công mạng từ các tổ chức tội phạm được cho là có trụ sở trên đất Nga. Các cuộc tấn công này đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là vụ tấn công mã độc tống tiền của nhóm Darkside vào đường ống dẫn dầu của tập đoàn Colonial pipeline, đã tạo ra bầu không khí hỗn loạn trong việc cung cấp khí đốt ở bờ Đông nước Mỹ, hay vụ tấn công vào tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới JBS. Và mới gần đây, ngày 04/7/2021 công ty Kaseya, một công ty chuyên về công nghệ thông tin và quản lý phần mềm có trụ sở tại Miami (Mỹ) tiếp tục trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng được thực hiện bởi nhóm tin tặc REvil, một nhóm tội phạm mạng có liên quan đến Nga. Vụ tấn công này đã gây ra phản ứng dây chuyền khiến cho máy tính của hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Kaseya trên toàn thế giới nhanh chóng bị ảnh hưởng.
Những khủng hoảng do vấn đề tấn công mạng đã tạo sức ép cho chính quyền tổng thống Biden phải đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn như ban hành lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ phải thực hiện những thay đổi táo bạo và đầu tư mạnh mẽ vào việc tăng cường các biện pháp ANM, bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia [2]. Với chính quyền Nga, vấn đề ANM lại được khẳng định mạnh mẽ hơn trong Chiến lược an ninh quốc gia mới được thông qua đầu tháng 7, trong đó có sự kế thừa của Học thuyết an ninh thông tin năm 2016, Luật chủ quyền Internet năm 2019.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nước G7, các vấn đề về ANM liên quan đến Nga cũng là một trong những chủ đề chính được bàn tới. Cụ thể, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đồng loạt lên tiếng chỉ trích Nga đã “chứa chấp các mạng lưới” tiến hành tấn công mạng nhắm vào nhiều hệ thống an ninh - tài chính quan trọng toàn cầu [3]. Về phần mình, phía Nga đã phủ nhận các cáo buộc của Mỹ cũng như phương Tây và cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ. Trái lại, nước Nga thông báo rằng họ đã phát hiện nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn từ bên ngoài.
AN NINH MẠNG - CƠ HỘI HỢP TÁC MỚI TRONG QUAN HỆ NGA - MỸ
Tuy nhiên những căng thẳng trong quan hệ hai nước đã có phần lắng dịu ngay sau cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo hai nước vào ngày 16/6/2021 tại Geneva, Thụy Sỹ. Tại cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ này, nhiều vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga và Mỹ đã được đem ra thảo luận. Đáng chú ý là hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ba vấn đề quan trọng, trong đó bao gồm vấn đề về an toàn thông tin, tội phạm mạng.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Biden cho biết còn nhiều điều phải làm và những tháng sắp tới sẽ là một quãng thời gian thử thách về việc liệu cuộc thảo luận có thể đưa Mỹ và Nga đến gần hơn với sự cải thiện quan hệ hay không. Trong đó, vấn đề được ông nhấn mạnh là giới hạn trong các cuộc tấn công bằng mạng hay bằng bất kỳ phương tiện gì đó vào 16 lĩnh vực hạ tầng then chốt của Mỹ [4].
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đánh giá đây là cuộc đối thoại khá cởi mở, thẳng thắn và mang tính xây dựng, trong đó hai bên không tìm cách gây áp lực cho nhau. Ông bày tỏ sự coi trọng đối với người đồng cấp Mỹ, đồng thời tỏ ý rằng Moskva sẵn sàng tham gia vào các vấn đề như kiểm soát vũ khí hạt nhân, ANM hay một số lĩnh vực khác. Ông đánh giá cuộc đối thoại với người đồng cấp Mỹ là "mang tính thực tiễn", "nhen nhóm hy vọng" xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau giữa Moskva và Washington [5].
Ngay sau khi cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo hai nước kết thúc, các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước cơ bản đã được nối lại, thể hiện bằng sự trở lại của đại sứ hai nước. Chia sẻ với tờ Sputnik, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng phía Nga luôn cởi mở trong việc hợp tác và sẵn sàng đối thoại công bằng và cùng có lợi với Mỹ về ANM. Ông cho rằng, nước Nga có cách tiếp cận mang tính trách nhiệm đối với vấn đề ANM. Điều đó được đại sứ Nga viện dẫn bằng việc nước Nga là quốc gia đầu tiên triển khai và đệ trình lên Liên hợp quốc vào ngày 27/7/2021 dự thảo Công ước về chống lại việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các mục đích tội phạm. Bên cạnh đó, ngài đại sứ cũng hy vọng việc thông tin liên lạc thường xuyên và thực chất giữa hai quốc gia sẽ góp phần xóa bỏ những lo ngại đã tích tụ trong lĩnh vực an toàn thông tin và tội phạm mạng.
Đại sứ Nga cũng chia sẻ rằng, hiện nay các cơ quan liên quan của Nga và Mỹ đang tích cực hợp tác trong lĩnh vực ANM sau cuộc họp tại Geneva, các chuyên gia từ các bộ, ban ngành liên quan đã bắt đầu tích cực liên hệ với nhau thông qua sự Hội đồng An ninh hai nước. Đại diện của các cơ quan chuyên trách ứng phó với các thách thức trong môi trường kỹ thuật số, bao gồm cả Trung tâm Điều phối Quốc gia về Sự cố Máy tính của Nga, cũng tham gia vào quá trình này [6].
Trong một diễn biến khác, Nga và Mỹ đã khởi động đối thoại ANM song phương với ba vòng chính thức. Trong đó, vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên về sự ổn định chiến lược trong năm 2021 đã được tổ chức vào 28/7 tại Geneva. Trong các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược lần này, hai bên đã thảo luận về các vấn đề công nghệ kỹ thuật số và ANM.
Các động thái tích cực từ cả hai phía bước đầu đã cho thấy những điểm chung mà cả hai quốc gia cùng quan tâm. Điều này góp phần mở ra những cơ hội về sự hợp tác thực chất và mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan đến ANM. Theo Điện Kremlin, các cuộc tấn công mạng thực sự là một thách thức lớn mà cả Nga và Mỹ phải cùng đối mặt.
AN NINH MẠNG - NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUAN HỆ NGA - MỸ
Bất chấp những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây cho thấy mối quan hệ Nga - Mỹ đang có những dấu hiệu ấm dần lên. Tuy nhiên, theo giới quan sát nhận định quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn chưa dễ cải thiện vì vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề bất đồng cũng như các nguy cơ xung đột về lợi ích. Cụ thể là hàng loạt vụ tấn công mạng vẫn diễn ra sau khi tổng thống Biden yêu cầu nhà lãnh đạo Nga phải có biện pháp mạnh mẽ để trấn áp các hoạt động tội phạm mạng trong khuôn khổ cuộc gặp đầu tiên tại Geneva vào tháng 6/2021.
Trong cuộc điện đàm hôm 09/7/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục người đồng cấp Nga Vladimir Putin hành động ngăn chặn các nhóm tội phạm tấn công mạng từ Nga. Ông Biden cho rằng đã cung cấp thông tin và yêu cầu phía Nga phải có “trách nhiệm” ngăn chặn các tổ chức tội phạm mạng tại quốc gia này dù không phải do chính phủ Nga trực tiếp bảo trợ.
Từ góc độ ANM, Elena Elkina, một đối tác của công ty tư vấn bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư Aleada, lưu ý rằng Putin không phải là người thích những đòi hỏi hay bị yêu cầu phải làm gì. Elkina dự đoán Putin sẽ đáp lại cuộc nói chuyện mạnh mẽ của Biden về các cuộc tấn công mạng theo cách thực tiễn hơn [7].
Phát biểu trong chuyến thăm Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) vào hôm 27/7/2021, bên cạnh những biểu dương vai trò của lực lượng tình báo nước này, tổng thống Joe Biden cũng không ít lần đề cập đến những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, nổi bật trong những nguy cơ đó là vấn đề ANM. Thậm chí ông còn đặt ra vấn đề về tác động của ANM có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh vũ trang. Cũng trong bài phát biểu của mình, không ít lần ông Biden đề cập đến cuộc gặp với tổng thống Nga Putin vào tháng 6/2021 bằng những ngôn từ pha lẫn chút châm biếm mà nói theo phát ngôn viên của điện Kremlin thì đó là sự “sai lệch” và thiếu hiểu biết về nước Nga [8].
Ngăn chặn tội phạm mạng và bảo vệ ANM cho các hạ tầng trọng yếu quốc gia luôn là mối quan tâm đặc biệt của cả Nga và Mỹ, bởi vậy, hai bên cần có “tiếng nói chung” trong vấn đề này, đặc biệt với vai trò là các cường quốc công nghệ. Hơn nữa, nếu hợp tác và giải quyết thỏa đáng được các vấn đề có liên quan đến ANM thì có thể sẽ là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện tình trạng quan hệ giữa hai nước cũng như làm giảm sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ, trong đó có sự bất đồng về vấn đề ANM sẽ tác động không nhỏ đến mối quan hệ hai nước, thậm chí có thể dẫn đến những xung đột vượt ra ngoài phạm vi không gian mạng.
Nguyễn Như Tuấn, Phạm Hoàng Nam