Về quản lý mật mã dân sự
… Do nhu cầu của cuộc sống và sự phát triển bùng nổ của các giao dịch điện tử, ngày nay mật mã đã được phát triển và sử dụng khá phổ biến trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội như ngân hàng, tài chính, hải quan, thương mại và được sử dụng để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Tuy nhiên, mật mã cũng bị những kẻ phá hoại, khủng bố lạm dụng như một công cụ hoạt động phi pháp nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Để phát huy vai trò của mật mã và hạn chế các yếu tố tiêu cực, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chính sách quản lý mật mã và các chính sách này rất khác nhau phụ thuộc vào thể chế, trình độ phát triển, tình hình thực tế về an ninh chính trị của mỗi nước ở những giai đoạn lịch sử cụ thể. Những vấn đề liên quan tới mật mã trong lĩnh vực an ninh, tình báo, quân sự, ngoại giao… đều được các nước coi là bí mật quốc gia và không công bố, còn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc quản lý các hoạt động trong lĩnh vực mật mã thường được điều chỉnh bằng bộ luật riêng hoặc các luật liên quan. Việc quản lý các sản phẩm mật mã thường được dựa trên các công cụ như hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật mật mã hoặc các quy định về kỹ thuật liên quan, hệ thống đánh giá và cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mật mã…
Ở Việt Nam, cho đến nay nhà nước ta chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật nào về quản lý mật mã dân sự - mật mã sử dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội (bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về mật mã đã được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Quan điểm quản lý chung đối với mật mã dân sự được thể hiện trong dự thảo Nghị định như sau :
Một là, khuyến khích hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự nhằm thu hút đông đảo lực lượng chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ trong cả nước tham gia đóng góp cho sự phát triển hệ thống lý thuyết và công nghệ mật mã phục vụ cho nhu cầu bảo vệ thông tin của xã hội .
Hai là, sản phẩm mật mã được xếp vào dạng sản phẩm sản xuất kinh doanh hạn chế. Điều đó có nghĩa là hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Sự cần thiết của Giấy phép sản xuất kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự xuất phát từ đặc thù của loại sản phẩm có thể coi là vũ khí bảo vệ thông tin - một dạng sản phẩm hết sức đặc biệt. Khả năng và tính hai mặt của loại vũ khí này là vấn đề luôn được quan tâm. Mật mã cũng là công cụ hết sức cần thiết và quan trọng để xác thực và bảo mật cho các giao dịch điện tử, nhất là các giao dịch mang tính pháp lý cao. Vì vậy, sản phẩm mật mã sử dụng trong trường hợp này phải có đủ độ tin cậy cần thiết. Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm mật mã chỉ xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật về tính an toàn và bảo mật thực tế của sản phẩm để người dùng lựa chọn, chứ không quy định phạm vi sử dụng của sản phẩm. Trách nhiệm của nhà nước đối với cộng đồng và công dân là tạo môi trường an toàn, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sử dụng mật mã dân sự phục vụ cho mục đích chính đáng và hợp pháp, đồng thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng mật mã làm phương hại lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đều có xu hướng quản lý mật mã tương đối chặt chẽ ở cấp quốc gia.
Ba là, sử dụng sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin là quyền lựa chọn của các tổ chức và cá nhân nhưng điều quan trọng là họ phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sự lựa chọn của mình. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân sử dụng sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Từ tháng 1/2007, nước ta đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bước vào một “sân chơi” mới mà sự cạnh tranh được dự báo là hết sức căng thẳng, chúng ta phải có chiến lược để tự bảo vệ mình trong cuộc chơi. Bởi vậy bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cũng đang là một thách thức đối với các doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam trên trường quốc tế. Trong kinh doanh, thiếu thông tin là một thiệt thòi lớn, nhưng để lộ lọt thông tin cho đối tác thì có thể bị thiệt hại khó lường. Vì vậy, vai trò của sản phẩm mật mã trong xã hội nói chung ngày càng được quan tâm.
Chúng ta đều biết rằng năm vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định ban hành hai luật quan trọng là: Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin. Cả hai luật này có tác động rất tích cực vào quá trình phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là cơ sở pháp lý để phát triển một “Việt Nam điện tử” trong cộng đồng ASEAN điện tử (E-Asean) mà chúng ta là một thành viên, và là yếu tố quan trọng để góp phần đưa đất nước ta phát triển một cách bền vững. Trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế quốc tế, hội nhập với không gian chính trị đa dạng, phức tạp như hiện nay, việc giữ gìn bí mật thông tin và tăng cường an ninh thông tin không còn là những vấn đề chỉ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao, mà thực sự là mối quan tâm của của cả xã hội, của các cơ quan, doanh nghiệp và của mỗi cá nhân. Vì vậy, sự ra đời của Nghị định về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước là hết sức kịp thời và cần thiết, nó sẽ có tác động rất tích cực đến việc triển khai thực hiện hai Luật nói trên và đáp ứng sự mong đợi của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin.