Ngành Ngân hàng thực hiện Chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững
Chiều ngày 11/10, Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.
Toàn cảnh phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao
Diễn đàn được tổ chức vớii mục tiêu sẽ trở thành kênh thông tin uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo Diễn đàn
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Ngành Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc CMCN 4.0 của Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, thời gian qua NHNN đã luôn bám sát các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,… để chỉ đạo trên toàn ngành chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 gắn với việc xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành cũng như tại tổ chức tín dụng. Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.
Trong thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, thực hiện CĐS mạnh mẽ trong các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày CĐS của ngành (ngày 11/5); đã ban hành Kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Kinh nghiệm CĐS nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng ngành Ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới; từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
Phiên báo cáo chính của phiên khai mạc các chuyên gia trình bày các tham luận bám sát với chủ đề của Diễn đàn, đồng thời tích cực trao đổi, thảo luận để cùng nhau thống nhất về một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của ngành Ngân hàng trong việc chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 và đưa ra một số đề xuất, gợi ý cụ thể về mặt cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của các chủ thể trên thị trường, hướng tới việc đem đến trải nghiệm vượt trội, dịch vụ an toàn, tiện ích cho người dân, khách hàng trong bối cảnh 4.0.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày báo cáo về Kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của ngành ngân hàng. Ông Colin Richard Dinn, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ kinh nghiệm của Vietcombank trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp...
Ông Đỗ Ngọc Duy Trác phát biểu tại Diễn đàn
Khép lại phần báo cáo chính, với vấn đề cần được quan tâm khi các giao dịch ngân hàng hiện nay hầu hết được thực hiện trên môi trường số, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS đã trình bày về một số vấn đề tồn tại và giải pháp về chính sách trong tăng cường quản lý định danh, ứng dụng xác thực mạnh trên thế giới. Sau hơn hai năm nghiên cứu và xây dựng, VinCSS cho ra mắt hệ sinh thái các giải pháp xác thực mạnh không mật khẩu chuẩn FIDO2 quốc tế. Các sản phẩm dịch vụ xác thực mạnh không mật khẩu của VinCSS được Microsoft và nhiều tổ chức tin tưởng, khuyến nghị sử dụng. Ông Trác chia sẻ: "VinCSS luôn sẵn sàng hợp tác, sát cánh cùng với các DN Việt Nam để mang xác thực không mật khẩu đến gần hơn, góp phần bảo vệ, nâng tầm trải nghiệm người dùng Việt trên không gian số".
Phiên Tọa đàm bàn tròn cấp cao được điều phối bởi TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tập trung trao đổi về các xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, các mô hình và dịch vụ ngân hàng mới; đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của ngành ngân hàng; thảo luận về các giải pháp công nghệ mới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Bên lề Diễn đàn cấp cao còn có các sự kiện thu hút được sự quan tâm của các khách mời tham dự như: Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng 2022 và Hội thảo các chuyên đề về tương lai fitech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới; Xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số trong tiến trình chuyển đổi số ngân hàng; Phát triển dịch vụ ngân hàng số với xu thế và giải pháp công nghệ mới; Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Hoàng Hằng