Tham dự Hội thảo có ông Abu Bakar Bin Mohamad Diah, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Đổi mới Malaysia; ông Phillip Leung, Chủ tịch Hiệp hội PKI châu Á và Diễn đàn PKI Hồng Kông; các chuyên gia trong lĩnh vực PKI từ nhiều quốc gia châu Á, châu Âu; các doanh nghiệp trong lĩnh vực PKI và an toàn thông tin.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo gồm các chuyên gia của Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số tổ chức cung cấp dịch vụ CA công cộng của Việt Nam.
Tại Hội thảo, hơn 10 báo cáo chính được trình bày với nội dung đề cập đến vấn đề an toàn không gian mạng; Khung giao dịch an toàn tin cậy; Phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử; Môi trường sinh thái điện tử tin cậy liên quan đến triển khai PKI xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN.... Một vấn đề được đặc biệt chú ý là Liên tác giữa các tổ chức ứng dụng xác thực mức cao, với sự ra đời của Liên minh FIDO (Fast Identity Online) vào năm 2012.
Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận chuyên đề, với các chủ đề: Cách thức để ASEAN xây dựng quy định liên tác PKI xuyên biên giới và các trở ngại trước mắt; Sự cần thiết phải cấp phát chứng thư số tin cậy một cách công khai của các CA; Đánh giá của các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử về hiện trạng và triển vọng của PKI tại ASEAN.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về 4 vấn đề: Xây dựng phương án để các chứng thư số có thể nhận biết lẫn nhau xuyên biên giới; Phát triển mô hình chữ ký số có thể lưu trữ các tài liệu và dữ liệu điện tử; Tuân thủ các tiêu chuẩn của Liên minh FIDO trong lĩnh vực công nghiệp.
Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ tham gia vào phiên Thảo luận nhóm thứ nhất về chuyên đề “Thúc đẩy các hoạt động nhận biết lẫn nhau xuyên biên giới”. Phiên thảo luận đã bàn về vấn đề liên tác trong lĩnh vực pháp lý, kinh doanh, cũng như các chính sách hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử.
Vấn đề về liên tác và chứng thực chéo PKI giữa các lĩnh vực khác nhau và giữa các quốc gia ASEAN đã thu hút nhiều ý kiến tham luận, trong đó đề cập tới sự khác biệt trong chính sách và hệ thống pháp lý.
Hội nghị PKI châu Á được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực PKI tại khu vực châu Á, trong đó nổi bật lên vai trò của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan....