Bảo đảm thông tin mật đóng góp quan trọng cho công tác đối ngoại nước nhà
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (thứ 5 từ phải sang) làm việc với Trưởng ban Vũ Ngọc Thiềm (thứ 4 từ phải sang) và Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ (tháng 5/2020)
Đảm bảo bảo mật thông tin cho ngành Ngoại giao trong công cuộc giành độc lập dân tộc
Vào những ngày mùa Thu năm 1945 cách đây vừa tròn 75 năm, cùng với sự ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những ngành công tác quan trọng đã được thành lập, trong đó có ngành Ngoại giao (28/8/1945) và ngành Cơ yếu (12/9/1945). Trong giai đoạn này có một hoạt động đánh dấu sự gắn bó giữa hai Ngành là sau Hiệp định sơ bộ được ký kết ngày 6/3/1946, Chính phủ ta và Pháp tiến hành Hội nghị trù bị tại Đà Lạt (tháng 4-5/1946) để đi đến đàm phán chính thức.
Để phục vụ cho Hội nghị, ta đã thành lập một đài vô tuyến điện và một tổ công tác đi cùng đoàn, trong đó có một đồng chí được giao và hướng dẫn sử dụng bản luật đặc biệt để phục vụ công tác. Như vậy, bên cạnh việc bảo mật thông tin phục vụ công tác tác chiến, xây dựng hệ thống chính quyền mới, lần đầu tiên các tổ chức mật mã phục vụ bảo mật thông tin trên mặt trận đấu tranh ngoại giao.
Những viên gạch hồng đầu tiên của Cơ yếu Ngoại giao
Khi những Cơ quan đại diện (CQĐD) ngoại giao ở nước ngoài đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, công tác cơ yếu đã được triển khai ngay, và với những nhân sự được lựa chọn một cách kỹ càng. Năm 1952, những cán bộ cơ yếu đầu tiên đã lên đường nhận nhiệm vụ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc (đồng chí Lê Định) và Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô (đồng chí Hà Thục Trinh, phu nhân Đại sứ Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Nguyễn Thị Cúc, phu nhân Bí thư thứ Nhất Nguyễn Đức Quỳ).
Trước khi lên đường, các đồng chí này đã vinh dự được Đại sứ Nguyễn Lương Bằng truyền đạt lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Bác không có thời gian gặp các cô chú trước khi lên đường, các cô chú đi Sứ không được học qua trường lớp nào, ra nước ngoài có điều kiện học hỏi nhiều hơn, cái gì không biết thì phải học, nghe nhiều, nói ít và Bác chúc đoàn lên đường mạnh khỏe”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phối hợp với mặt trận quân sự, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, buộc các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, giải phóng miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, mở rộng quan hệ ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước anh em ở Châu Á, Đông Âu. Ngành Cơ yếu đã kịp thời bố trí tài liệu mật mã để đảm bảo liên lạc mật cho Bộ Ngoại giao (BNG) và cử cán bộ cơ yếu đi phục vụ tại các CQĐD.
Khi cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ở vào những thời khắc quan trọng, “Ngoại giao” đã trở thành mặt trận (cùng với “Chính trị” và “Quân sự”), dẫn đến cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ tại Paris bắt đầu từ năm 1968. Thời điểm này cho thấy nhu cầu bảo mật thông tin trong công tác ngoại giao ngày càng lớn và yêu cầu cấp thiết là phải có một tổ chức cơ yếu riêng đặt tại BNG.
Ngày 22/8/1969, Bộ trưởng BNG ký Quyết định số 235/QĐ thành lập Phòng Điện báo trực thuộc BNG (tên giao dịch là “Phòng 7” và đến năm 1996 đổi tên là “Phòng Cơ yếu”). Với sự ra đời của Phòng 7, Cơ yếu Ngoại giao đã chính thức có một tổ chức đầu mối, hoạt động theo chế độ song trùng quản lý của BNG và của ngành Cơ yếu. Nhiệm vụ của Phòng 7 được xác định là bảo đảm liên lạc với cơ yếu tại các CQĐD của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và CQĐD của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Theo đó, vừa bảo đảm thông tin “Mật” phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ Cơ yếu phù hợp với yêu cầu về đặc thù của ngành Ngoại giao.
Gắn liền với thắng lợi chung của đất nước và ngành Ngoại giao đều có những đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của những người làm công tác cơ yếu. Nổi bật là đã tổ chức mạng liên lạc và cử cán bộ trực tiếp tham gia phục vụ Hội nghị Paris, vào thời điểm đó cơ yếu đóng vai trò là “phương tiện đặc biệt” giúp chuyển, nhận tất cả những chỉ đạo của Trung ương, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, BNG về công tác đàm phán đến đoàn đại biểu của ta tại Hội nghị.
Hay sau năm 1975 là nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu phục vụ cuộc vận động đấu tranh ngoại giao, tranh thủ các nước bạn bè và dư luận chính giới các nước đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta chống lại kẻ thù ở hai đầu biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với một số nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đại biểu dự Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Cục Cơ yếu - Bộ Ngoại giao
Thành quả và nhiệm vụ của Cơ yếu Ngoại giao trong thời kỳ đổi mới
Sau khi Đảng ta đề ra đường lối Đổi mới, đặc biệt là bước vào thế kỷ 21 bắt đầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế, nhu cầu bảo đảm thông tin mật trong hoạt động của ngành Ngoại giao gia tăng về khối lượng và độ khẩn trương cao. Thời điểm này, ngành Cơ yếu cũng có những bước chuyển phù hợp với yêu cầu tình hình mới và xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thế giới. Một văn bản pháp lý quan trọng về cơ yếu được ban hành trong giai đoạn này là Pháp lệnh Cơ yếu năm 2001, để quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của cơ yếu, trong đó có việc tổ chức các hệ thống cơ yếu.
Xuất phát từ bối cảnh trên, BNG đã kiến nghị và ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 132/2004/QĐ-TTg “Thành lập Cục Cơ yếu thuộc BNG trên cơ sở Phòng Cơ yếu thuộc BNG”. Từ thời điểm này, Cơ yếu Ngoại giao đã trở thành một trong bốn Cục đầu Hệ của ngành Cơ yếu. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động và xây dựng của Cơ yếu Ngoại giao, thể hiện sự quan tâm, tin cậy của Đảng, Chính phủ, Lãnh đạo BNG và Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ (BCYCP), đồng thời cũng là trọng trách lớn đối với Cơ yếu Ngoại giao trong giai đoạn mới.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, Cục Cơ yếu đã đóng góp vào thành công chung của ngành Ngoại giao như: Đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO năm 2006, đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021, Chủ tịch ASEAN năm 2010 và 2020; tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng và đón nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế đến thăm Việt Nam; đồng thời đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ban Cơ yếu chính phủ ký Thỏa thuận phối hợp trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin giai đoạn 2015 - 2020
Bên cạnh đó, Cục Cơ yếu cũng tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong các hoạt động của ngành Cơ yếu, nhất là sau khi Luật Cơ yếu được ban hành năm 2011. Cơ yếu Ngoại giao đã cụ thể hóa những nhiệm vụ của ngành Cơ yếu trong hoạt động của mình tại BNG như triển khai thêm các giải pháp phục vụ cho công tác bảo mật và an toàn thông tin của BNG, nổi bật là mạng liên lạc cơ yếu phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Bộ. Đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của BCYCP từng bước hoàn thiện giải pháp kỹ thuật tương thích với các thiết bị của ngành Cơ yếu phục vụ triển khai công tác bảo mật cho hệ thống tin học của BNG phù hợp với quy định của pháp luật.
Cục Cơ yếu tham gia triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành của BNG, xây dựng các giải pháp hướng tới hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng dịch vụ công, chia sẻ tri thức, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, Cục Cơ yếu cũng đã làm tốt chức năng tham mưu, đặc biệt là chủ động đề xuất Lãnh đạo BNG và BCYCP ký các bản “Thỏa thuận hợp tác” tạo thuận lợi cho việc triển khai các mặt công tác có liên quan giữa hai Ngành về bảo mật và ATTT.
Điểm lại quá trình hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Cơ yếu Ngoại giao đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Với đặc thù không gian công tác trải rộng khắp thế giới, cán bộ ở CQĐD hoạt động nghiệp vụ độc lập trong môi trường phức tạp, thường xuyên phải đối phó với các thủ đoạn thu tin, mã thám… Mặc dù vậy, các chiến sĩ Cơ yếu Ngoại giao vẫn giữ vững phẩm chất “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo” của ngành Cơ yếu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được ngành Ngoại giao tin tưởng giao phó. Xứng đáng với những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba.
Cùng với những phần thưởng cao quý trên là những lời nhận xét, biểu dương của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, BNG và BCYCP. Nổi bật là lời động viên, khen ngợi của đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng BNG nhân dịp 50 năm Ngày truyền thống Cơ yếu Ngoại giao (8/2019): “Các thế hệ cán bộ nhân viên của Phòng Điện báo trước đây và Cục Cơ yếu BNG sau này không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm truyền đạt bí mật, chính xác và kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và BNG trên mặt trận đối ngoại, bảo đảm thông tin thông suốt, đóng góp thầm lặng song hết sức quan trọng vào thành tích chung của Ngành Ngoại giao và Ngành Cơ yếu”.
Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao