Kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước năm 2013
Hiện tại, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai cung cấp chứng thư số cho các Bộ, ngành, địa phương. Tính đến tháng 7/2013, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp khoảng 15.000 chứng thư số cho 11 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 15 địa phương. Việc cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan nhà nước các cấp trong việc đảm bảo xác thực và bảo mật thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành. Tuy nhiên, việc triển khai chữ ký số còn chưa được rộng khắp, nhiều cơ quan, đơn vị chưa ứng dụng chữ ký số trong hoạt động tác nghiệp. Trong khi đó, để phát huy hiệu quả các hoạt động giao dịch qua mạng và điện tử hóa quy trình làm việc của cơ quan nhà nước thì chữ ký số phải được triển khai rộng rãi theo hướng mở rộng đối tượng và quy mô sử dụng.
Để đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp, kịp thời nắm bắt tình hình ứng dụng và những khó khăn, vướng mắc thì công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng của các cơ quan quản lý cần được đặc biệt quan tâm và thực hiện thường xuyên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, đánh giá ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước năm 2013 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp. Sau hơn một tháng làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc (từ ngày 11/6/2013 đến ngày 12/7/2013), Đoàn công tác liên ngành giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông do đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tại 12 cơ quan nhà nước; trong đó có 04 bộ, cơ quan ngang bộ là: Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 08 địa phương là: UBND các thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; và các tỉnh: Thái Bình, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang.
Nội dung đợt kiểm tra tập trung vào các vấn đề sau:
- Công tác triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của nhà nước và việc chấp hành các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số.
- Tình hình quản lý, triển khai, sử dụng chứng thư số theo quy định tại Thông tư 05/2010/TT-BNV ngày 01/7/2010 của Bộ Nội vụ “Hướng dẫn về cung cấp, quản lý và sử dụng hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị”.
- Tình hình ứng dụng chữ ký số trong các ứng dụng CNTT và nhu cầu ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các Bộ, ngành, địa phương.
- Đánh giá hiệu quả việc ứng dụng chữ ký số; những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng dụng và nắm bắt nhu cầu ứng dụng chữ ký số của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
- Hướng dẫn ứng dụng và triển khai chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Trong quá trình kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, Đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình ứng dụng chữ ký số và kiểm tra việc triển khai thực tế tại một số đơn vị. Kết thúc quá trình kiểm tra tại mỗi đơn vị, Đoàn công tác đã nhận xét, đánh giá về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, ứng chữ ký số; giải đáp và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, đồng thời kiến nghị với lãnh đạo đơn vị về những tồn tại có liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số.
Kết quả đợt kiểm tra cho thấy một số điểm nổi bật sau:
- Các cơ quan nhà nước đã chấp hành và triển khai nghiêm túc các văn bản của nhà nước liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng hệ thống Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ. Việc ứng dụng và triển khai chữ ký số đã tạo được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo và cán bộ, công chức nhà nước. Hầu hết các cơ quan nhà nước đã thể chế hoá việc áp dụng chữ ký số thông qua ban hành các văn bản quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy triển khai chữ ký số trong quy trình xử lý công việc qua mạng.
Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đều đã và đang phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan mình. Trong quá trình ứng dụng, việc cấp mới, thu hồi, huỷ bỏ chứng thư số đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc và đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức đã khai tác tốt các quy trình xử lý, vận hành, áp dụng chữ ký số trong các hệ thống thông tin, xử lý văn bản điện tử áp dụng chữ ký số.
- Ban Cơ yếu Chính phủ đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu cung cấp chứng thư số của cơ quan nhà nước các cấp. Quá trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn đã được phối hợp thực hiện hiệu quả. Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả sử dụng trong thực tế, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo được môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành công việc.
Tới nay, các cơ quan nhà nước đang sử dụng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ do Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đều đang tiến hành xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai cho giai đoạn sắp tới theo hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ (công văn số 217/BCY ngày 23/4/2013 của Ban Cơ yếu Chính phủ về việc Hướng dẫn ứng dụng chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị).
- Một số cơ quan nhà nước đang có nhu cầu cấp thiết trong ứng dụng chữ ký số nhưng chưa triển khai chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố Đà Nẵng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện tại, các cơ quan và địa phương này đã có kế hoạch chuyển đổi sang triển khai áp dụng Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ để áp dụng cho các giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước tại Bộ, địa phương mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, quy định của Nhà nước về vấn đề này chưa được triển khai rộng rãi đến tất cả các cơ quan nhà nước, nên một số cơ quan còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Thông tin về tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chưa kịp thời và đầy đủ dẫn đến khó khăn trong quá trình ứng dụng chữ ký số tại cơ quan nhà nước các cấp.
- Hiện nay, một số quy định về công tác văn thư, lưu trữ còn chưa phù hợp với việc sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số. Bởi vậy, một số địa phương đã đề nghị ban hành các quy định phù hợp với công tác quản lý và lưu trữ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số, để các loại tài liệu, văn bản hành chính đã được xác thực bằng chữ ký số và gửi qua mạng thì không phải gửi thêm văn bản giấy.
Từ kết quả đợt kiểm tra, đánh giá của Đoàn công tác có thể nhận thấy, để phát huy những kết quả đã đạt được và đẩy mạnh quá trình ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước, sắp tới cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:
1. Ban Cơ yếu Chính phủ cần tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai chữ ký số cho các đơn vị trong hệ thống chính trị.
2. Nghiên cứu, rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong trong công tác như văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, sử dụng văn bản điện tử nhằm đề xuất ban hành, sửa đổi các văn bản còn chưa phù hợp nhằm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị.
3. Khẩn trương nâng cao năng lực, phát triển cơ sở hạ tầng Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ để kịp thời đảm bảo cung cấp và quản lý chứng thư số theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Tạo điều kiện hỗ trợ về nhân lực và kinh phí trong quá trình các cơ quan nhà nước tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.