Kết quả nổi bật trong công tác triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ năm 2021
- Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
- Lạng Sơn đẩy mạnh sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động cơ quan nhà nước
Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam chủ động, tích cực tham mưu những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo đảm bí mật, an toàn thông tin, đặc biệt là lĩnh vực cơ yếu, trong đó đã tích cực tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Bên cạnh đó, do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các cơ quan, tổ chức và cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi nhiều hoạt động lên không gian mạng và tăng cường áp dụng công nghệ số. Thực tế đó đã đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Trong đó, chữ ký số (CKS) tiếp tục đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI TRONG NĂM 2021
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp luật về dịch vụ chứng thực chữ ký số, đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát trên 471.500 chứng thư số (CTS). Trong đó, đối với cơ quan cấp bộ, ngành, địa phương đã cấp đạt 100% CTS cho tổ chức; CTS cho lãnh đạo đạt 94%; đối với cấp vụ, cục, sở và tương đương đạt 96% CTS cho tổ chức và đạt 98 % CTS cho lãnh đạo; đối với cấp xã, phường và tương đương đạt 98% CTS cho tổ chức và 49% CTS cho lãnh đạo. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc triển khai tích hợp CKS, trong đó có 80% cơ quan triển khai đáp ứng về thể thức văn bản điện tử có CKS theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định về công tác văn thư; đồng thời, xây dựng, phát triển công cụ phục vụ xác thực bản sao điện tử, chứng thực bản sao điện tử, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020.
Theo thống kê, có 70% bộ, ban, ngành, địa phương triển khai CKS trên thiết bị di động, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp, triển khai gần 60.000 thiết bị SIM PKI phục vụ ký số trên thiết bị di động cho các bộ, ngành và địa phương, theo thống kê một ngày có khoảng một nghìn lượt ký số trên di động được các cơ quan thực hiện, hiện nay đã có gần 2 triệu CKS được thực hiện trên thiết bị di động.
Triển khai sản xuất, cung cấp đầy đủ, kịp thời CTS theo yêu cầu của Bộ Công an, phục vụ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; thiết lập, quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và kiểm tra hơn 50 triệu Căn cước công dân gắn chip điện tử của Bộ Công an đảm bảo an toàn, liên tục.
Mặt khác, Ban Cơ yếu Chính phủ thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp chính quyền. Hằng năm, trực tiếp tiếp nhận, xử lý gần 100.000 lượt yêu cầu (bình quân khoảng trên 300 lượt yêu cầu/ngày) để tư vấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức về sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ... Qua đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng CKS không ngừng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp.
Hình 1. Tần suất trao đổi văn bản có chữ ký số trong nội bộ cơ quan
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ dần đi vào nề nếp trong các hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo được môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành; góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Đặc biệt, trong năm 2021, trước diễn biến tiêu cực của đại dịch COVID-19, khi các cán bộ, công chức, viên chức phải làm việc qua mạng, khi đó CKS chuyên dùng Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, có những thời điểm, hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ đã hoạt động trên 300% công suất trong các mặt công tác như hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo chứng thư số, đảm bảo hạ tầng...
Theo thống kê, hiện nay, đã có khoảng 87% các bộ, ban, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung, tích hợp CKS chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 về công tác văn thư. Đã có 41.255 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp CKS chuyên dùng Chính phủ.
Số lượng văn bản điện tử có CKS gửi nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia của các bộ, ban, ngành, địa phương tăng đột biến trong các năm gần đây (Hình 2).
Hình 2. Số lượng văn bản gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia có sử dụng chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ
Để có được những kết quả đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trung ương trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về CKS chuyên dùng Chính phủ; sẵn sàng cung cấp CTS, công cụ, phần mềm, dịch vụ để các cơ quan nhà nước ứng dụng CKS vào thực tế công tác. Các cơ quan nhà nước đã cụ thể hóa các quy định về văn bản điện tử, CKS chuyên dùng Chính phủ thông qua việc ban hành các kế hoạch, quyết định và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đã khai thác sử dụng tốt các quy trình xử lý, vận hành và áp dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ trong các hệ thống điều hành tác nghiệp, dịch vụ công trực tuyến và các hệ thống thông tin chuyên ngành.
NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2022
Trong năm 2022, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục phát huy, đẩy mạnh những kết quả đạt được trong 2021 và tập trung đẩy mạnh triển khai áp dụng có hiệu quả CTS và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ phục vụ các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cơ chế phối hợp giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy ứng dụng và triển khai CKS phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số;
2. Tăng cường, đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CKS. Phổ biến, quán triệt các văn bản, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ;
3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng CKS thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ đến chính quyền địa phương các cấp; gắn kết ứng dụng CKS với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành thói quen, đổi mới phương thức, lề lối làm việc;
4. Tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại. Nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ;
5. Tiếp tục triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh triển khai CKS trên các thiết bị di động, tích hợp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ cho hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống phần mềm văn phòng điện tử, một cửa điện tử và các ứng dụng khác trong quản lý điều hành;
6. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách triển khai CKS chuyên dùng tại các cơ quan Đảng, Nhà nước. Nâng cao năng lực tham mưu cho Lãnh đạo và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, đầy đủ cho người dùng cuối trong quá trình ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ;
7. Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá thường xuyên, đột xuất kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc để có các biện pháp giải quyết phù hợp nhằm đẩy mạnh triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng của Chính phủ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ