Đảm bảo an toàn thông tin cho cải cách hành chính và điều hành tác nghiệp của Công an Hà Nội

14:00 | 19/12/2014 | CA CQNN
Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại và đảm bảo an toàn, góp phần hỗ trợ cho công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nghiệp vụ trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội là một nội dung quan trọng trong Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là một bước cụ thể hóa Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Để thực hiện nhiệm vụ này và Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính trong lực lượng Công an nhân dân năm 2013, Công an Thành phố Hà Nội (CATP Hà Nội) đã xây dựng Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý điều hành tác nghiệp” và triển khai thí điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Mục tiêu chính của Đề án là cải cách sâu rộng các thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời thay đổi một cách căn bản, toàn diện quy trình tác nghiệp của các đơn vị nghiệp vụ trong CATP Hà Nội theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng, năng lực quản lý và giảm thiểu, tiết kiệm chi phí ngân sách. Một trong những nội dung then chốt của Đề án là thực hiện các giải pháp bảo mật và bảo đảm an toàn cho hệ thống CNTT.

Cải cách hành chính phục vụ người dân

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ về việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ trong CATP Hà Nội. Từ tháng 8/2013, CATP Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp CNTT phục vụ cải cách hành chính như: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; cấp Chứng minh nhân dân, hộ chiếu trực tuyến; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; tra cứu thông tin phương tiện xe máy vật chứng....

CATP Hà Nội đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ và một số cơ quan, đơn vị chức năng khác để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các giải pháp xác thực và bảo mật hệ thống thông tin điều hành, tác nghiệp của CATP Hà Nội. Bên cạnh đó, CATP Hà Nội và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết Quy chế phối hợp về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội. CATP Hà Nội đã phục vụ triển khai Đề án, thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện Đề án đến cán bộ chiến sĩ (CBCS) và người dân trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo Đề án, CATP Hà Nội sẽ triển khai các phân hệ phần mềm nghiệp vụ tại các  đầu mối với khoảng 5.000 người sử dụng và chia thành 02 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014) triển khai một số phân hệ phục vụ cải cách hành chính nâng cao chất lượng công tác phục vụ người dân trong các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Giai đoạn 2 (2015) triển khai các phân hệ còn lại. Cho đến nay, Đề án đã thử nghiệm một số phân hệ phần mềm nghiệp vụ đạt kết quả tốt và sẽ chuẩn bị triển khai diện rộng cho toàn bộ các cơ quan, đơn vị Công an trên toàn thành phố Hà Nội.

Trong quá trình triển khai Đề án “Ứng dụng CNTT đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý điều hành tác nghiệp”, CATP Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội và một số cơ quan, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó là sự đồng thuận, ủng hộ của Chỉ huy các đơn vị và toàn thể CBCS trong CATP Hà Nội. Đặc biệt, chủ trương cải cách hành chính đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn và trở ngại gặp phải trong quá trình triển khai. Do quy mô triển khai của Đề án liên quan tới tất cả các đơn vị nghiệp vụ trong CATP, từ cấp thành phố đến cấp mô hình xã, nên yêu cầu đầu tư về hạ tầng cơ sở vật chất rất lớn. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở vật chất hiện tại còn thiếu, chưa mang tính hệ thống và không đồng bộ. Khó khăn về nguồn nhân lực CNTT của CATP khi triển khai Đề án cũng là một thách thức không nhỏ. Số lượng CBCS được đào tạo về CNTT chiếm tỷ lệ thấp trên tổng số CBCS trong CATP (khoảng 30%); chất lượng chuyên môn của số CBCS sử dụng CNTT cũng chưa đồng đều và tính chất công việc ở từng đơn vị khác biệt nhau….

Trước những khó khăn đó, để giảm thiểu chi phí đầu tư, Lãnh đạo CATP đã chỉ đạo các đơn vị tận dụng tài nguyên hạ tầng sẵn có và nâng cao năng lực quản lý hạ tầng thiết bị, hệ thống mạng truyền dẫn và thuê dịch vụ hạ tầng mạng, hệ thống trung tâm dữ liệu của tập đoàn Viettel để triển khai nội dung của Đề án. Bên cạnh đó, CATP Hà Nội đã chủ động huy động những nguồn lực sẵn có và những nguồn hỗ trợ của các đơn vị khác để đầu tư trang, thiết bị phục vụ Đề án. Tính đến tháng 9/2014 (giai đoạn 1 của Đề án), số trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật cơ bản về CNTT - TT đã đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Để tăng cường nguồn nhân lực CNTT, CATP Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về tin học và kỹ năng sử dụng phần mềm cho CBCS trong CATP. Trong đó ưu tiên CBCS thuộc các đơn vị tham gia thực hiện Đề án, đặc biệt là số CBCS thuộc lực lượng Quản lý hành chính và Cảnh sát khu vực. Toàn bộ số CBCS đã tham gia tập huấn đều sử dụng thành thạo phần mềm và những kỹ năng cần thiết trong quản lý, khai thác, bảo mật an toàn hệ thống.

Một số kết quả đạt được 

Đến nay, Đề án ứng dụng CNTT của CATP Hà Nội bước đầu đã thu được những kết quả khả quan, thiết thực, tạo tiền đề triển khai vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo.

Về cơ sở hạ tầng CNTT, đã huy động và trang bị thêm nhiều hệ thống máy tính cấu hình cao cùng với trang, thiết bị từ các nguồn lực sẵn có cùng với việc triển khai thí điểm các ứng dụng phần mềm hệ thống gồm: Phần mềm Cập nhật thông tin nhân khẩu; Quản lý hộ khẩu trực tuyến; Quản lý, tra cứu phương tiện xe máy vật chứng; Quản lý, cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến.

Đến tháng 9/2014, đã đào tạo, tập huấn cho hơn 3.500 CBCS sử dụng, khai thác các ứng dụng phần mềm của hệ thống, dự kiến đến Quý IV/2014 sẽ đào tạo, tập huấn cho 100% CBCS trong CATP.

Đã triển khai thí điểm có hiệu quả các phân hệ phần mềm như: tra cứu xe máy vật chứng, cơ sở dữ liệu thông tin nhân khẩu (đạt trên 97% tổng số nhân khẩu toàn thành phố)....

Về công tác quản lý, cấp hộ chiếu, đến nay, trên 90% số hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông được thực hiện trực tuyến, đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và áp dụng hiệu quả mô hình nhận kết quả hộ chiếu tại nhà qua chuyển phát nhanh.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin 

Để đảm bảo ATTT trong hệ thống CNTT, CATP Hà Nội đã xây dựng và triển khai “Kế hoạch tổng kiểm tra an toàn, an ninh thông tin năm 2014” đối với tất cả các đơn vị trực thuộc, nhằm kiểm tra tất cả các thiết bị số, thiết bị CNTT, từ đó đánh giá hiện trạng   công tác đảm bảo an ninh, ATTT tại mỗi đơn vị. Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ CBCS tính chất quan trọng của công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trong CATP Hà Nội; đồng thời đưa ra các cảnh báo đối với nguy cơ lộ, lọt, gây mất ATTT từ các thiết bị số được sử dụng trong các đơn vị thuộc CATP Hà Nội.

Trong giai đoạn I, CATP Hà Nội đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai tích hợp chữ ký số của hệ thống Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ vào các phân hệ phần mềm, để xác thực CBCS đăng nhập sử dụng phần mềm; đảm bảo dữ liệu trong hệ thống được xác thực và toàn vẹn trong quá trình truyền - nhận và xử lý. Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tiến hành cấp phát, bàn giao các chứng thư số bảo mật và thiết bị lưu trữ an toàn cho một số CBCS của CATP Hà Nội để triển khai thử nghiệm trong các phân hệ phần mềm và tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn sử dụng.

Bước đầu, việc tích hợp chữ ký số vào các phân hệ phần mềm đã đạt được kết quả tốt, các dữ liệu xử lý, truyền - nhận được đảm bảo an toàn, xác thực và toàn vẹn, nâng cao mức độ an toàn của hệ thống, chống lại được các tấn công giả mạo, sửa đổi trái phép dữ liệu. Việc triển khai các thiết bị nhớ an toàn cũng hạn chế được sự lây lan, phát tán của các loại mã độc và chống mất dữ liệu.

Trong thời gian tới, CATP Hà Nội sẽ phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để tiếp tục triển khai nhân rộng các phân hệ phần mềm, chứng thư số, các thiết bị nhớ an toàn trên toàn bộ địa bàn Thành phố Hà Nội. Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp triển khai các giải pháp giám sát an toàn thông tin và bảo mật để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống CNTT và các phân hệ phần mềm nghiệp vụ của CATP Hà Nội.

Lãnh đạo CATP Hà Nội đã hết sức chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của toàn hệ thống. Đến nay, hệ thống CNTT của CATP Hà Nội luôn được vận hành ổn định, an toàn và đang dần được hoàn thiện.

Dự kiến đến cuối năm 2015, Đề án“Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý điều hành tác nghiệp” sẽ hoàn thành, góp phần xây dựng hạ tầng CNTT vững mạnh, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính công, nâng cao chất lượng công tác phục vụ người dân của các cơ quan, đơn vị Công an trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Kết quả của Đề án cũng góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính công và xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới