Chỉ có một con đường ký số thay vì ký giấy

20:00 | 29/03/2019 | CA CQNN
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong Hội nghị Sơ kết triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được tổ chức chiều ngày 29/3/2019, tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị Sơ kết có Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).

Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp cùng Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel tích cực triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong thời gian 8 tháng triển khai quyết liệt, công tác gửi, nhận văn bản điện tử đã có những bước phát triển vượt bậc. Đây là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tạo ra một nền tảng thông suốt và duy nhất nhằm tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin các cấp, đóng vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo sơ kết được đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP trình bày, kết quả triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg được thể hiện trên 4 nội dung:

Về công tác hoàn thiện căn cứ pháp lý: Bộ Nội vụ đã ban hành 2 Thông tư quy định về quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử. Tính đến ngày 28/3/2019 có 07/23 Bộ, ngành, 19/63 địa phương ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử.

Về xây dựng, chuyển đổi sử dụng trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử: VPCP đã phối hợp với Tập đoàn VNPT nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phân tán ngang hàng (P2P) để xây dựng và đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia. Định hướng đến năm 2025, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.

Về nâng cấp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành: VPCP đã tích cực phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Viettel hiệu chỉnh phần mềm QLVB&HSCV, tích hợp chữ ký số đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg; Thông tư số 01/2019/TT-BNV, Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ.

Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương đã nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH theo hướng dẫn của VPCP. Trong đó, có 63/95 cơ quan sử dụng máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp; 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật dùng chung do VPCP cung cấp; 32/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH; 8/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp, đang trong giai đoạn kiểm thử; 18/95 cơ quan đang thực hiện nâng cấp phần mềm; các cơ quan còn lại đã ban hành kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm.

Về bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia: VPCP đã phối hợp với Cục A06 (Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh đối với hệ thống thiết bị, hệ thống ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia… thường xuyên rà soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa cho hệ thống.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, Chỉ trong thời gian ngắn tích cực triển khai, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của VPCP, của Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Kết quả ban đầu này được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương, nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần tác động mạnh mẽ, thay đổi tư duy, tư tưởng của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết

Dẫn chứng bằng con số cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, từ ngày 01/03/2019 đến ngày 28/03/2019 đã có 10.827 văn bản gửi, 30.374 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Sau ngày 12/3, rất nhiều tin, bài, ảnh trên các phương tiện truyền thông đã truyền tải tư tưởng và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, đúng với thông điệp Chính phủ kiến tạo, hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp để phục vụ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Trục liên thông văn bản quốc gia mới là kết quả ban đầu, mục tiêu đặt ra là cung cấp dịch vụ đến tận người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nhất định chỉ có một con đường ký số thay vì ký giấy văn bản. Bên cạnh gửi nhận văn bản điện tử, Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Dự kiến hoàn thành trong Quý IV năm 2019. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương sẽ được kết nối, tích hợp thông qua Hệ thống này.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu các ý kiến nhằm đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các mặt được, chưa được, dự kiến các công việc phải triển khai trong thời gian tới để đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử được triển khai tới 100% các đơn vị hành chính nhà nước các cấp, hướng tới 100% văn bản được ký số, gửi, nhận thông suốt thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (tới đây là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia).

Cuối Hội nghị, VPCP đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho 12 tập thể và 50 cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao Bằng khen cho Cục Chứng thực Số và Bảo mật Thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) vì đã có thành tích xuất sắc trong trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg

Trong đó, 12 tập thể được khen thưởng là: Cục Kiểm soát TTHC, Vụ Tổ chức cán bộ, Trung tâm Tin học, Phòng Văn thư thuộc Vụ Hành chính, Phòng Tin học hành chính thuộc Vụ Hành chính (VPCP); Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cục Chứng thực Số và Bảo mật Thông tin, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền (Ban Cơ yếu Chính phủ); Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ); Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn VNPT); Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel).

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục

Tin mới