Bảo mật, xác thực trong lưu trữ điện tử tại các cơ quan Đảng
Toàn cảnh Hội thảo
Quản lý văn bản, tài liệu là một trong những nhiệm vụ cơ bản của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả cải cách hành chính, chứng minh tính minh bạch và trách nhiệm giải trình các hoạt động bằng thông tin văn bản.
Dưới sự tác động của khoa học công nghệ, bên cạnh tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử ra đời với những tính năng và đặc điểm khác biệt. Người dùng cần hiểu rõ quan niệm, những đặc điểm của tài liệu điện tử, các yêu cầu về việc quản lý tài liệu điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý về văn thư và lưu trữ trong bối cảnh xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiện nay.
Tài liệu số đã và đang hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Bên cạnh những thuận lợi trong việc truy cập, sử dụng thì tài liệu số cũng đang là thách thức lớn trong việc bảo mật, quản lý và lưu trữ, bảo quản lâu dài cho sử dụng theo thời gian.
Từ năm 2020, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ triển khai chữ ký số tại các Bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 458/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020 - 2025".
Thực hiện chương trình hợp tác giữa Ban Cơ yếu Chính phủ với Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ; Cục Lưu trữ đã tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Bảo mật, xác thực trong lưu trữ điện tử tại các cơ quan Đảng” gồm có hai chuyên đề chính, bao gồm:
Chuyên đề “Giới thiệu giải pháp đảm bảo lưu trữ lâu dài hồ sơ, tài liệu có chữ ký số” do đồng chí Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin (CTS&BMTT), Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày. Nội dung chính bao gồm chia sẻ hiện trạng triển khai chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua; Vấn đề về lưu trữ tài liệu điện tử có chữ ký số, cụ thể về vấn đề quản lý tài liệu điện tử nói chung và lưu trữ điện tử nói riêng; Các tiêu chuẩn chung về lưu trữ điện tử và một số giải pháp kỹ thuật đã được triển khai thực tế theo Quyết định số 458/QĐ-TTg.
Đồng chí Đặng Vũ Dũng, Phó Trưởng phòng hỗ trợ kỹ thuật, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì chuyên đề “Giới thiệu các sản phẩm mật mã, bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai tại các cơ quan Đảng”. Trong đó có nhiều nhóm sản phẩm triển khai bảo mật cho các hệ thống thông tin chuyên ngành như sản phẩm mã file, sản phẩm bảo mật dữ liệu lưu trữ, sản phẩm bảo mật luồng IP, sản phẩm mã thoại/Fax, sản phẩm USB lưu giữ an toàn, sản phẩm an ninh an toàn, mô hình bảo mật mạng LAN.Hội thảo đã lắng nghe các diễn giả trình bày về các vấn đề bảo mật thông tin, xác thực chữ ký số trong lưu trữ điện tử, đồng thời phiên thảo luận cũng đã giúp các đại biểu tham dự trao đổi, hỏi đáp để các cơ quan quản lý có liên quan giải đáp các vấn đề khó khăn mà các tổ chức gặp phải trong việc triển khai ứng dụng trên hệ thống.
Đồng chí Đinh Hữu Long, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Hữu Long, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng đánh giá cao các sản phẩm và giải pháp bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đồng chí nhấn mạnh, ở Việt Nam hiện nay tài liệu điện tử và tài liệu giấy vẫn đang tồn tại song trùng, hầu như không có đơn vị nào chỉ sử dụng một loại hình lưu trữ văn bản. Đối với tài liệu giấy, việc xác định độ mật, luân chuyển, bảo mật, lưu trữ cơ bản đã thực hiện được, tuy nhiên, đối với tài liệu văn bản điện tử thì mới chỉ đang ở những bước thử nghiệm ban đầu, còn cần nghiên cứu nhiều hơn nữa, nhất là việc bảo mật cho chữ ký số chuyên dùng chính phủ.
Đồng chí mong muốn thời gian tới hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng nghiên cứu, triển khai thành công các giải pháp bảo mật và xác thực tài liệu lưu trữ số lâu dài, vĩnh viễn.
Ngô Minh