Ban Cơ yếu Chính phủ phổ biến thông tư về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

14:09 | 01/07/2016 | CA CQNN
Sáng 30/6/2016 tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Thông tư số 08 của Bộ Quốc phòng. Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ban và các Hệ Cơ yếu.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị 

Ngày 01/02/2016, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư số 08/2016/TT-BQP (Thông tư 08) quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Thông tư 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 17/3/2016 sẽ thay thế cho Thông tư 05/2010/TT-BNV ngày 01/7/2010 của Bộ Nội vụ.

Thông tư 08 gồm 4 chương, 33 điều, được xây dựng trên quan điểm kế thừa nội dung Thông tư 05, có điều chỉnh bổ sung, phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Một số điểm mới của Thông tư 08 so với Thông tư 05 đó là: về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung dịch vụ gia hạn chứng thư số; tăng thời hạn có hiệu lực của chứng thư số; về phân loại chứng thư số; quy định về quản lý thiết bị lưu trữ khóa bí mật. Thông tư 08 cũng cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan và cá nhân trong việc thực hiện triển khai.

Về tính hình cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Tính đến tháng 6/2016 Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp gần 47 nghìn chứng thư số cho cán bộ, công chức trên toàn quốc và các ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan tại 30 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 50 địa phương. Công tác ứng dụng và triển khai đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định của Nhà nước về chữ ký số và Thông tư 05. 

Tuy nhiên, quá trình triển khai ứng dụng chữ ký số vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như: nhận thức về vai trò của chữ ký số tại một số cơ quan nhà nước còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả triển khai chưa cao; tính liên thông giữa các hệ thống CA; hệ thống văn bản quản lý, hướng dẫn, quy định về chữ ký số chuyên dùng chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn; hạ tầng và cơ sở vật chất… tại các cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực chưa được đầu tư tương xứng…

Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến phát đều khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng chữ ký số trong công việc hiện nay, đặc biệt trong việc triển khai Chính phủ điện tử. Các đại biểu cũng đánh giá, một trong những công việc quan trọng nhằm giúp triển khai ứng dụng chữ ký số hiệu quả và nhanh chóng đó là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của chữ ký số, để làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và các cán bộ công chức….

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Đào đánh giá cao vai trò của các cơ quan trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã nỗ lực thực hiện triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng chính phủ cho các cơ quan, Bộ, ngành trong thời gian vừa qua. Đồng chí cũng biểu dương tinh thần và trách nhiệm của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin và một số cơ quan, cá nhân liên quan trong việc tham mưu giúp Ban Cơ yếu Chính phủ trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 08. Đồng chí Nguyễn Đăng Đào nhấn mạnh, trong thời gian tới nhu cầu triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng tại các cơ quan, đơn vị là rất lớn, do vậy các cơ quan, đơn vị trong Ban và các Hệ Cơ yếu cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới