Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký UBQG về ứng dụng CNTT Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký UBQG về ứng dụng CNTT Lê Mạnh Hà và GS.TS Wilfried Bernhardt, chuyên gia cao cấp về Chính phủ điện tử, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp Liên bang, CHLB Đức đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có đại diện Cục tin học hóa (Bộ TT&TT), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ); đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc VPCP.
Nghị quyết 36a triển khai đạt kết quả khả quan
Tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết, ngày 14/10/2015, Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử được ban hành., Việt Nam có nhiều dự án, chương trình về công nghệ thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này.
Nghị quyết 36a đề ra các nhiệm vụ quan trọng, đó là phải liên thông được toàn bộ các hệ thống văn bản điện tử trên cả nước (từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố, từ trung ương đến địa phương và ngược lại), đảm bảo thông suốt từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Bên cạnh đó, phải triển khai các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung, tích hợp những dịch vụ công trực tuyến mà mình cung cấp lên một Cổng quốc gia duy nhất. Tại đây, người dân có thể tra cứu thông tin cũng như tiến hành các dịch vụ công đó.
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đánh giá, trong thời gian qua Nghị quyết 36a triển khai đạt kết quả khả quan, nhưng các địa phương, Bộ, ngành vẫn phải tích cực hơn nữa, làm sao có kết quả rõ rệt. Mấu chốt căn bản để hình thành Chính phủ điện tử chính là sự kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành. Trong thời gian tới, việc triển khai Chính phủ điện tử còn rất nhiều khó khăn, thách thức, do đó Việt Nam cần học hỏi thêm những kinh nghiệm quốc tế để đạt được những tiến bộ hơn nữa về Chính phủ điện tử.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Đức
GS.TS Wilfried Bernhardt cho biết, Đức là một nhà nước liên bang, nên liên bang, các bang và các đơn vị hành chính cấp xã có thẩm quyền quản lý hành chính và đưa ra các quy định riêng mình. Hệ quả là ở Đức không có chính quyền điện tử thống nhất. Tuy nhiên đã có rất nhiều nỗ lực trong chính phủ, cơ quan quản lý hành chính, giới khoa học và trong các doanh nghiệp làm cho sự khác biệt này ở Đức không trở nên quá lớn và bảo đảm áp dụng các kinh nghiệm về Chính phủ điện tử hiệu quả nhất, hiệu lực nhất và thân thiện với người dân nhất, theo nguyên tắc thực hành tốt nhất.
Hiện nay, ở tất cả các bang của Đức, thông tin được cung cấp thông qua các Cổng thông tin điện tử. Ngoài việc truy cập để lấy thông tin, người dân và doanh nghiệp còn muốn nộp đơn điện tử, có ràng buộc về mặt pháp lý, đến các cơ quan quản lý nhà nước và nhận được các quyết định phê duyệt đơn cũng dưới dạng điện tử.
Trao đổi về Luật Chính phủ điện tử của CHLB Đức, GS.TS Wilfried Bernhardt cho biết, năm 2013, Luật Chính phủ điện tử của Liên bang có hiệu lực. Nhưng ở Đức không chỉ có luật pháp của liên bang mà còn có các luật của bang. Tuy nhiên, luật Chính phủ điện tử của các bang cũng dựa vào luật Chính phủ điện tử của liên bang. Theo đó, cơ quan quản lý của bang và của cấp xã phải công nhận các văn bản dưới dạng điện tử với chữ ký điện tử được xác thực hoặc các đơn được điền dưới dạng điện tử, nếu người gửi đơn được nhận diện bằng chứng minh nhân dân điện tử.
Ngoài các quy định pháp luật của Đức về Chính phủ điện tử, còn có nhiều quy định của Liên minh Châu Âu áp dụng cho các cơ quan quản lý và người dân, ví dụ như Nghị định eIADS
Cũng theo ông Wilfried Bernhardt, xu thế mới về Chính phủ điện tử ở Đức là sẽ làm đơn giản hóa việc liên lạc với cơ quan quản lý, để công dân và doanh nghiệp trong một số bối cảnh không phải nộp nhiều đơn riêng lẻ. Theo kế hoạch, sẽ tạo ra các giải pháp Cổng thông tin điện tử và tạo cơ hội cho công dân nộp các dữ liệu một cách an toàn thông qua “tài khoản dịch vụ”.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ về những khó khăn trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và việc áp dụng CNTT trong cải cách hành chính công. Đây là những kinh nghiệm trong triển khai thực tế, góp phần trang bị thêm những kiến thức giúp cán bộ, công chức, viên chức VPCP nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.