Sẽ sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005
- Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Siết chặt quy định về bảo mật thông tin
- Làm rõ nhiệm vụ, vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ về trách nhiệm quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
- Bảo mật giao dịch điện tử và ứng dụng di động là nhân tố cốt lõi để hiện thực hoá nền kinh tế số
Theo chương trình công tác của Quốc hội, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là một trong những dự án Luật sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 18/11.
Ngày 03/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến về việc hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, cùng với việc đồng ý các nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ TT&TT tại tờ trình 105 ngày 30/9 về hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TT&TT hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình Quốc hội dự án Luật này.
Tờ trình 363 của Chính phủ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho hay, mục đích của việc sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Cũng theo tờ trình 363, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu gồm 8 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám sát theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 152 ngày 3/12/2021 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021.
Tại tờ trình, Chính phủ cũng nêu rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung ở từng chương. Cụ thể, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Luật sửa đổi sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi những giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Với quy định về dịch vụ tin cậy tại Chương III - Chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy tại dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chính phủ cho biết, trong quy định về dịch vụ tin cậy, ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai, dự thảo Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu. Đây là dịch vụ của bên thứ ba độc lập nhằm xác nhận, chứng nhận một thông điệp dữ liệu là đáng tin cậy.
“Niềm tin chính là vấn đề quan trọng nhất trong giao dịch điện tử, việc thiếu các hoạt động bảo đảm của bên thứ ba cho hoạt động giao dịch điện tử là rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số. Năm 2014, Liên minh châu Âu đã xây dựng và ban hành quy định liên quan đến các dịch vụ tin cậy nhằm đảm bảo độ an toàn, bảo mật cho các giao dịch điện tử. Đây là tiền đề pháp lý cho việc đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử và giúp hỗ trợ cho các lĩnh vực trước đây đã bị lược bỏ trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005”, tờ trình 363 của Chính phủ thông tin.
Tuệ Minh