VNCERT cảnh báo rà soát mã độc ‘đào’ tiền ảo bất hợp pháp

14:00 | 17/11/2017 | AN TOÀN THÔNG TIN
Ngày 15/11/2017, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã gửi công văn cảnh báo yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện khẩn cấp các công việc ngăn chặn mã độc khai thác tiền ảo Coinhive.

Qua theo dõi sự cố trên không gian mạng Việt Nam, VNCERT đã ghi nhận được rất nhiều sự cố an toàn thông tin về mã độc khai thác tiền ảo Coinhive ẩn mình trên các website. Khi người dùng  truy cập vào trang web, thư viện mã Coinhive sẽ tự động chạy trên máy tính người dùng dưới dạng tiện ích mở rộng hoặc trực tiếp trong trình duyệt nhằm mục đích “đào” tiền ảo Bitcoin, Monero… bằng cách sử dụng trái phép tài nguyên của người dùng như: CPU, ổ cứng, bộ nhớ… và gửi về ví điện tử của tin tặc.

Dấu hiệu nhận biết gồm các từ khóa trong mã nguồn website: coinhive.com, coinhive, coin-hive, coinhive.min.js, authedmine.com, authedmine.min.js.

VNCERT khuyến cáo các đơn vị chuyên trách về công nghệ, an toàn thông tin, các đơn vị liên quan từ Trung ương tới địa phương, doanh nghiệp cần chú ý và khẩn cấp thực hiện các biện pháp ngăn chặn mã độc như sau:

Đối với quản trị website phải kiểm tra, rà soát mã nguồn để phát hiện các mã được chèn vào. Khi phát hiện website bị chèn các mã khai thác như đã nêu trên, cần rà soát và kiểm tra lại lỗ hổng trên máy chủ, lỗ hổng trên website, kiểm tra các tài khoản bị lộ lọt có quyền thay đổi mã nguồn, nhằm khắc phục lỗ hổng bị lợi dụng.

Đối với quản trị mạng, cần thực hiện giám sát và bóc gỡ, xử lý trên các máy tính trong mạng có xuất hiện các kết nối đến các địa chỉ tên miền afminer.com, coin-have.com, coinerra.com, coinhive.com, coinnebula.com, crypto-loot.com, hashforcash.us, jescoin.com, ppoi.org, authedmine.com. Ngoài ra, phải sử dụng tường lửa để chặn các kết nối ra các địa chỉ nói trên.

Quản trị mạng cũng cần rà quét, kiểm tra hệ thống để tìm ra và loại bỏ các đoạn mã có trong các phần mềm mở rộng "Add-on" của trình duyệt web; khuyến nghị người dùng cài đặt các tiện ích mở rộng “No Coin Chrome” hay “minerBlock” đối với Chrome, cài đặt “NoScripts” cho Firefox.

Trong khi đó, các đơn vị cũng cần hướng dẫn người dùng kiểm tra hiệu suất sử dụng CPU của máy tính bằng các ứng dụng như Windows Task Manager và Resource Monitor. Nếu máy tính có dấu hiệu hoạt động chậm và kiểm tra thấy hiệu suất sử dụng CPU của các trình duyệt hoặc tiện ích mở rộng cao thì có thể máy tính đó đã bị nhiễm Coinhive và cần thông báo gấp cho quản trị mạng để xử lý.

Các tổ chức cũng phải thường xuyên kiểm tra và quét các lỗ hổng tồn tại trên hệ thống để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của các đoạn mã độc hại.

Trong trường hợp phát hiện ra các lỗ hổng, lập tức triển khai biện pháp khắc phục, cập nhật các bản vá bổ sung và loại bỏ các chương trình độc hại đã bị tin tặc chèn vào.

Sau khi thực hiện các biện pháp nói trên, các đơn vị cần báo cáo tình hình về Cơ quan Điều phối Quốc gia (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam) trước ngày 30/11/2017.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới