Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối

13:00 | 06/04/2018 | AN TOÀN THÔNG TIN
Đó là chủ đề của Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An toàn bảo mật 2018 diễn ra ngày 05/4/2018 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục An ninh mạng, Bộ Công an, phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Công an, sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An toàn bảo mật 2018

Tại phiên báo cáo chính do Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an chủ trì, có các nội dung được đề cập đến gồm: Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng lành mạnh; Xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các thách thức đối với an ninh mạng; Thực trạng và xu hướng hoạt động của tội phạm mạng; Bước tiến mới của ransomeware và giải pháp phòng ngừa; Nguy cơ an ninh mạng từ hệ thống IoT và các dự báo cho Việt Nam; Điện toán đám mây và các thách thức bảo mật…. 

Theo số liệu thống kê năm 2017, hiện Việt Nam là một trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao thế giới, với gần 60 triệu người dùng Internet. Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Việt Nam cũng đang nỗ lực trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minh. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới, đặt ra những nguy cơ, thách thức lớn đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí đe dọa đến quốc phòng - an ninh. Người dùng Internet Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, xấu độc, lừa đảo… được phát tán tự do trên không gian mạng. Vụ việc lộ lọt dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội Facebook là hồi chuông cảnh báo cho các tổ chức/doanh nghiệp (TC/DN) và nhận thức của người dùng mạng, đã được nhấn mạnh trong nhiều bài tham luận.

Trong những năm qua, lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn xã hội, từ cá nhân, hộ gia đình, cho đến các TC/DN. Đặc biệt, CNTT đã được ứng dụng rộng khắp trong các hệ thống quan trọng như viễn thông, điện lực, tài chính, ngân hàng, các hệ thống điều khiển tự động trong các nhà máy, xí nghiệp....

Bên cạnh đó, sự ra đời và phát triển của Internet, Internet vạn vật (IoT) đã thúc đẩy quá trình kết nối giữa các hệ thống thông tin trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau ngày một nhanh chóng, đem lại rất nhiều lợi ích về mọi mặt của đời sống. Tuy nhiên, chính sự kết nối này đã tạo ra những nguy cơ, rủi ro gây mất ATTT trong không gian mạng. Nghiêm trọng hơn khi các rủi ro này lại xảy ra đối với các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực quan trọng của mỗi quốc gia. Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn. Mục tiêu tấn công đang chuyển từ cá nhân, sang các TC/DN, nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia. Vì vậy, thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm ATTT ngày càng khó khăn và phức tạp.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ATTT. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực ATTT, cũng như nhận thức chưa thực sự đầy đủ của các cá nhân, TC/DN về ATTT đã tạo ra các điểm yếu của các hệ thống thông tin. Số liệu thống kê cho biết, hơn 90% sự cố mất ATTT xảy ra là do yếu tố con người. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo thời cơ mới để Việt Nam nhanh chóng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp, trong đó có công nghiệp ATTT, với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Cuối phiên báo cáo chính, các đại biểu và diễn giả đã tham gia tọa đàm với chủ đề “Hợp tác giữa khối chính phủ và khu vực tư nhân trong phòng ngừa tấn công an ninh mạng”.

Buổi chiều đã diễn ra song song 2 chuyên đề hội thảo chuyên sâu.

Chuyên đề 1 với chủ đề “An toàn, an ninh mạng cho khối Chính phủ: Xu hướng và giải pháp công nghệ”, các chuyên gia đã trình bày về: Đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống IoT và các dịch vụ công điện tử; Bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trước các cuộc tấn công mạng; Giải pháp bảo mật đám mây thế hệ mới; Cách phòng chống tấn công DDoS đa lớp; Vai trò cảnh bảo sớm các mối nguy hại an toàn thông tin….


Đồng chí Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Chuyên đề 2 với chủ đề “Thông tin doanh nghiệp và bảo mật dữ liệu”, các chuyên gia trình bày các nội dung như: Giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự linh hoạt; Bảo mật trong hoạt động kinh doanh thông qua tự động hoá; Triển khai hệ thống SOC tiên tiến; Giải pháp mã hoá cấp cao dành cho TC/DN; Giải pháp Samsung Smart WLAN bảo mật tối ưu cho doanh nghiệp;  Giải phẫu tấn công APT ở Việt Nam và Yếu tố con người trong đảm bảo ATTT của doanh nghiệp….

Song song với chương trình Hội thảo là Triển lãm Công nghệ bảo mật 2018, với hơn 20 gian hàng của các hãng bảo mật nổi tiếng trên thế giới và trong nước, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ trong lĩnh vực ATTT như: Bảo mật mạng, Bảo mật điện toán đám mây, Mã hóa, Dữ liệu lớn, Ảo hóa, Quản lý nhận dạng và Kiểm soát truy cập.…

Đã có khoảng 450 đại biểu tới tham dự Hội thảo - Triển lãm Security World lần thứ 12 này, trong đó, tham gia trình bày, đối thoại có hơn 20 chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ và các TC/DN trong lĩnh vực an ninh bảo mật thông tin trong nước và quốc tế.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục

Tin mới