NHỮNG NHÀ MÃ THÁM (Phần 2): Ba nhà toán học kế nghiệp William Friedman tại NSA

10:00 | 16/02/2018 | AN TOÀN THÔNG TIN
Trong số 2(042) và số 3(043)2017, Tạp chí ATTT đã giới thiệu về William Frederick Friedman - người sáng lập cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và người vợ, đồng hành cùng ông, đó là bà Elizabeth Smith Friedman. Trong năm 1930, Friedman đã tìm được các cộng sự là ba nhà toán học, gồm: Frank Byron Rowlett, Abraham Sinkov và Solomon Kullback. Họ đã trở thành những nhà thám mã xuất sắc. Phần dưới đây sẽ giới thiệu về ba nhà toán học này.

Frank Byron Rowlett (1908-1998) sinh ra ở Rose Hill, Virginia, Mỹ. Ông nhận bằng Cử nhân ở trường Emory và Henry; là nhà nghiên cứu toán học và hóa học. Năm 1930, Frank Rowlett được thuê làm việc như một nhà “mã thám cấp dưới” trong Cơ quan Tình báo Tín hiệu (SIS) của quân đội Mỹ. Tháng 4/1930, ông làm việc cả trong lĩnh vực lập mã và thám mã.


Frank Byron Rowlett (Bản lưu của NSA)

Trong những năm 1930, sau thời gian dài được huấn luyện, Rowlett và các đồng nghiệp tại SIS đã biên soạn các mã số và mật mã để sử dụng trong quân đội Mỹ và bắt đầu giải một số hệ mật của nước ngoài, đặc biệt của Nhật. Vào khoảng năm 1935, Rowlett và các đồng nghiệp đã giải được hệ máy Nhật đầu tiên dùng để mã hóa các thông tin ngoại giao, được người Mỹ đặt tên là RED. Từ 1939-1940, Rowlett đóng vai trò chủ chốt trong việc giải máy mã phức tạp hơn dùng trong ngành ngoại giao Nhật, có tên Mỹ là PURPLE. Friedman và Rowlett cũng có những vai trò quyết định trong bảo vệ liên lạc của Mỹ trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, giúp Hải quân Mỹ thiết kế máy mã SIGABA. Độ an toàn của thiết bị mật mã này cũng là nhân tố quan trọng trong việc hạn chế thương vong trong chiến đấu. Quốc hội Mỹ đã trao thưởng cho Rowlett 100 nghìn USD vì những sáng chế mật mã trong năm 1964.

Ngoài việc sở hữu những kỹ năng thám mã cao, Rowlett còn là người quản lý giỏi và nhanh chóng thành đạt. Từ năm 1943 - 1945, Rowlett là người đứng đầu của Chi nhánh thám chung (Liên quân Anh - Mỹ). Từ năm 1945 - 1947, ông là người đứng đầu của Phân khu tình báo (Liên quân Anh - Mỹ). Từ năm 1949 - 1952, ông là Giám đốc kỹ thuật trong Cơ quan Hành động của Ủy ban An toàn không quân Mỹ, tiền thân của NSA. Rowlett làm việc cho Cơ quan tình báo trung ương (CIA) từ năm 1952 - 1958. Sau đó, ông trở về NSA giữ vị trí là Trợ lý đặc biệt của Giám đốc. Trong năm 1965, Rowlett trở thành sĩ quan chỉ huy của Trường Mật mã quốc gia. Vì những đóng góp quan trọng của ông trong bảo vệ thông tin của Mỹ, Tổ chức An toàn thông tin (Information Systems Security Organization) đã đặt tên giải thưởng cao nhất của họ là Giải thưởng Frank Byron Rowlett.

Tiến sĩ Abraham Sinkov (1907-1998), sinh ra ở Philadelphia, nhưng lớn lên ở Brooklyn, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trường Boys High School, ông nhận bằng Cử nhân toán học từ trường City College of New York (CCNY). Sinkov dạy toán ở New York City, nhưng ông không hài lòng với điều kiện làm việc tại đây và muốn sử dụng kiến thức toán học của mình vào thực tế.

Ông nghiên cứu toán học tại CCNY, thi công chức ngành dân chính và đạt vị trí cao. Sinkov được Friedman nhận vào làm việc với vị trí là nhà mã thám cấp dưới từ năm 1930. Cũng vào năm 1930, Sinkov đã nhận bằng Tiến sĩ toán học tại trường Đại học George Washington. Năm 1936, Tiến sĩ Sinkov đã được chuyển đến vùng kênh đào Panama, nơi được lập thành vị trí đánh chặn đầu tiên của quân đội Mỹ bên ngoài lục địa Hoa Kỳ.


Tiến sĩ Abraham Sinkov (Bản lưu của NSA)

Tháng 1/1941, gần một năm trước khi Hoa Kỳ bước vào chiến tranh thế giới thứ Hai, trong khi nước Anh đang chiến đấu với phát xít Đức, Đại úy Sinkov đã được chọn là một thành viên của một phái đoàn đến Vương quốc Anh để chia sẻ thông tin ban đầu về các chương trình mật mã tương ứng của hai nước. Sinkov và các đồng nghiệp của ông đã được tham quan Bletchley Park - trụ sở bí mật đối với mật mã của Anh, trao đổi thông tin về các hệ thống của Đức và Nhật Bản. Phái đoàn Mỹ đã được thông báo về sự thành công của Anh khi thám mã máy Enigma của Đức. Phái đoàn Mỹ đến Vương quốc Anh đã giúp đưa ra một nền tảng mạnh mẽ cho quan hệ mật mã Mỹ - Anh.

Vào tháng 7/1942, Sinkov lúc đó là Thiếu tá đã đến Melbourne (Australia) như người chỉ huy của quân đội Mỹ tại Cục Trung tâm (Central Bureau - CB) . Ông đã sớm chứng minh năng lực tổ chức và lãnh đạo mạnh mẽ của mình, ngoài các kỹ năng toán học và ông đã đưa nhóm người liên kết Mỹ - Úc vào một đơn vị gắn kết. Cục Trung tâm đã nhanh chóng trở thành một đơn vị chế tác tin cậy của Cơ quan Tình báo tín hiệu (SIGINT), đã giúp cho thành công của quân đồng minh trong không chiến chống Nhật.

Sau chiến tranh, Sinkov tái gia nhập SIS, nay đổi tên thành Cơ quan An ninh quân đội. Năm 1949, khi Cơ quan An ninh quân lực (AFSA) - tổ chức mật mã tập trung đầu tiên ở Hoa Kỳ được thành lập, Sinkov trở thành Giám đốc của chương trình An ninh truyền thông. Ông vẫn ở vị trí này khi AFSA được chuyển đổi thành NSA.

Tiến sĩ Sinkov nghỉ hưu năm 1962, tiếp tục giảng dạy toán học tại Đại học bang Arizona. Trong năm 1966, ông viết cuốn Thám mã cơ sở: Một tiếp cận toán học và được xuất bản bởi Hiệp hội toán học Mỹ, đó là một trong những cuốn sách đầu tiên về đề tài này ông dành cho công chúng. Đại tá, Tiến sĩ Sinkov được vinh danh ở bảo tàng Tình báo quân sự Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Solomon Kullback (1907-1994), sinh ra tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông tốt nghiệp với bằng Cử nhân vào năm 1927, Thạc sĩ toán học vào năm 1929 và hoàn thành học vị Tiến sĩ toán học tại Đại học George Washington vào năm 1934.

Ông quan tâm thực sự tới toán học ứng dụng. Cả Solomon Kullback và Abraham Sinkov đều được đưa tới Washington như nhà mã thám tập sự. Kullback đã được William F. Friedman thu nhận về làm việc và được huấn luyện theo một chương trình đào tạo chuyên sâu về mật mã cho nhân viên dân sự mới. Sau đó được thuê thực hiện sưu tập các thuật toán mã hóa và tài liệu mã cho quân đội Mỹ; Kiểm tra các thiết bị mật mã thương mại cung cấp cho chính phủ Mỹ.


Tiến sĩ Solomon Kullback (Bản lưu của NSA)

Kullback hợp tác với Frank Rowlett để thám mã những thông điệp từ máy mật mã RED. Tháng 5/1942, sau trận Trân Châu Cảng, Kullback, lúc đó là Thiếu tá, đã được gửi tới nước Anh. Ông đã học tại Bletchley Park, tích lũy được nhiều kinh nghiệm của người Anh trong lĩnh vực sản xuất thông tin tình báo chất lượng cao. Nhờ hiểu biết trong khai thác các tính năng của máy mã Enigma, Kullback cũng được mời hợp tác trong việc giải các hệ thống mật mã của Đức, dựa trên sách mã (codebook) truyền thống.

Khi NSA được thành lập vào năm 1952, Rowlett được bổ nhiệm chức Giám đốc của đơn vị thám mã. Các vấn đề chính phải đối mặt với nghiên cứu và phát triển trong giai đoạn sau chiến tranh là phát triển thiết bị xử lý tốc độ cao. Kullback đã được phân công quản lý đội ngũ nhân viên khoảng 60 người, bao gồm các nhà nghiên cứu sáng tạo trong phát triển xử lý dữ liệu tự động. Đội ngũ của ông tiên phong trong các hình thức mới của dữ liệu đầu vào và bộ nhớ, chẳng hạn như băng từ và bộ nhớ dạng trống, các trình biên dịch để làm cho máy thực sự “đa mục đích”.

Solomon Kullback nghỉ hưu vào năm 1962, giảng dạy tại Đại học George Washington và cho xuất bản các bài báo khoa học. Ông đã cho ra đời tác phẩm toán học nổi tiếng Information Theory and Statistics.

Thay cho lời kết

William F. Friedman được vinh danh tại Đại sảnh NSA vào năm 1988 như là một huyền thoại trong thế giới mật mã, ảnh hưởng đến phần lớn những công việc được thực hiện ngày hôm nay tại NSA. Đến với mật mã trong tình yêu, những tác phẩm phong phú và những thành tựu rực rỡ sau những cố gắng, nỗ lực vượt bậc, ông đã được tôn vinh là mẫu mực trong lĩnh vực bí mật quốc gia. Friedman được đánh giá là bậc thầy trong việc truyền đạt kiến thức khoa học mật mã và là người thực hành mật mã xuất sắc. Thành tích xuất sắc đáng khâm phục của Friedman là xây dựng được một tổ chức, mà sau này trở thành NSA. Khác với người chồng và các đồng nghiệp của ông, Elizeberth Friedman hoạt động thám mã trong lĩnh vực thương mại - dân sự và được công chúng biết đến nhiều hơn. Người dân Mỹ quan tâm đến mật mã nhiều hơn bởi những kỳ tích giải mã của Elizeberth. Biệt danh “kẻ thù của tội phạm buôn lậu” đã được đặt cho bà, phần nào cho thấy công việc nguy hiểm của những nhà thám mã. Ghi nhận những đóng góp của gia đình Friedman, vào năm 2002, tòa nhà OPS1 trong khu Phức hợp NSA đã được đặt tên là Tòa nhà “William and Elizebeth Friedman”.


William và Elizabeth Friedman làm việc tại nhà riêng năm 1957
(nguồn http://www.cabinetmagazine.org)

Bên cạnh đó, thành tựu cũng được đánh giá cao của William Friedman là đã đưa các nhà toán học và khoa học ngôn ngữ vào làm việc trong lĩnh vực mật mã và thám mã. Friedman cùng ba cộng sự là các nhà toán học đã mang tác phong quân sự vào công việc lập mã và thám mã, họ trở thành những thành viên đầu tiên trong SIS. Chính họ với tri thức về toán học và ngôn ngữ (trong đó có cả ngoại ngữ) đã biên soạn ra các tài liệu, giáo trình đào tạo về khoa học mật mã và thám mã cho các thế hệ sau này. Họ vừa làm việc cho NSA vừa hoàn thiện học hàm, học vị để sau khi về hưu trở thành nhà viết sách hoặc giảng dạy trong các trường đại học. Họ là một minh chứng lịch sử cho việc quân đội có thể thực hiện hợp đồng dân sự, thuê các nhà toán học làm công việc lập mã và phân tích mã. Họ trở thành đại diện của Hoa Kỳ trong lực lượng tình báo tín hiệu của phe đồng minh trong chiến tranh Thế giới thứ II với những đóng góp tích cực trong hoạt động phân tích các hệ mật của Đức và Nhật Bản.

Các thành viên ban đầu của SIS là một bộ tứ duy nhất được NSA ghi nhận là những người hùng của Hoa Kỳ. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, họ đã giải mã được nhiều thông tin tình báo quan trọng và tạo ra những thiết bị mật mã chống lại thám mã của đối phương, đã góp phần rút ngắn thời gian chiến tranh và hạn chế thương vong trên chiến trường của quân đồng minh Anh - Mỹ.

Tài liệu tham khảo

1. Alan G. Konheim, COMPUTER SECURITY AND CRYPTOGRAPHY

2. https://www.nsa.gov/public_info/_files/cryptologic_spectrum/

3. http://en.wikipedia.org/wiki/ 

Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Văn Ngoan

Tin cùng chuyên mục

Tin mới