Người dùng cần nâng cao cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới

09:00 | 16/02/2023 | AN TOÀN THÔNG TIN
Thời gian gần đây, tình trạng mạo danh nhân viên tín dụng, ngân hàng lừa người dùng rút tiền từ thẻ tín dụng để chiếm đoạt ngày càng trở nên phổ biến. Với thủ đoạn tinh vi, rất nhiều người dùng đã mắc bẫy. Mặc dù được nhiều phương tiện truyền thông, báo chí, cảnh báo, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cụ thể, đối tượng gọi điện giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng hoặc chuyển trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất thấp. Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu gửi ảnh giấy tờ tùy thân, hình ảnh hai mặt của thẻ và mã OTP.

Sau đó, các đối tượng này sẽ chuyển khoản cho chủ thẻ một số tiền nhất định. Số tiền này thường ít hơn nhiều so với số tiền đã ghi nợ trên thẻ tín dụng trước đó hoặc sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trái phép, chiếm đoạt tiền trong thẻ.

Chiều 28/12, cảnh sát cơ động, hình sự Công an quận Tân Bình phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt vào 3 văn phòng trong các toà nhà ở quận Tân Bình, tạm giữ 86 người có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông. Cơ quan điều tra xác định, những nghi can này giả danh nhân viên đơn vị phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng, gọi điện thoại tư vấn cho chủ thẻ. Lợi dụng việc ngân hàng áp dụng mức phí rất cao đối với chủ thẻ tín dụng khi rút tiền mặt, nhóm này gợi ý hỗ trợ.

Cùng với đó, ngày 12/1, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Tú Quang và tuyên phạt bị cáo này 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lê Tú Quang tự nhận là nhân viên ngân hàng và quen biết các sếp ngân hàng, qua đó hứa hẹn giúp người có nhu cầu làm thẻ tín dụng mà không cần thế chấp, không tính lãi suất, đối tượng này chiếm đoạt hơn 630 triệu đồng của các nạn nhân.

Dịch vụ mua hàng khống, rút tiền mặt, đáo hạn thẻ tín dụng “chui” đều là các giao dịch không hợp pháp, bị ngân hàng nhà nước cấm. Nếu thực hiện, chủ thẻ có nguy cơ mất tiền. Do đó, để tránh các rủi ro đáng tiếc người dùng cần lưu ý: Chỉ chuyển đổi trả góp thẻ tín dụng qua các kênh chính thức của ngân hàng. Nếu nhận được các cuộc gọi tư vấn từ số di động cá nhân, người dùng nên xác thực lại thông tin với ngân hàng; Tuyệt đối không chụp ảnh có thông tin thẻ gửi cho người khác; Đồng thời không đọc mã OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng; Đặc biệt, cần thông báo ngay cho ngân hàng để khóa thẻ và nếu nghi ngờ bị mất thông tin hoặc phát sinh giao dịch gian lận.

M.H

Tin cùng chuyên mục

Tin mới