Mật mã học và những câu chuyện lịch sử

15:34 | 03/10/2010 | AN TOÀN THÔNG TIN
Mật mã đã có một lịch sử phát triển lâu dài hàng nghìn năm, từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã dùng phương pháp mã “đơn sơ” để truyền thông tin tới đích một cách an toàn. cùng với thời gian, đến ngày nay các hệ thống mật mã đã ngày càng phức tạp và đa dạng.

Có thể nói Mật mã gắn liền với Lịch sử chiến tranh, Lịch sử của các phát minh khoa học – kỹ thuật và công nghệ, ngược lại, Mật mã cũng có những tác động ảnh hưởng khá lớn đến Lịch sử. Điều đó có thể thấy qua một số câu chuyện dưới đây.
Chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư năm 480 Trc.CN 
Vua Xerxes của nước Ba Tư từ khi mới lên ngôi đã ra sức xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu với mục đích thôn tính các quốc gia láng giềng trong đó có Athens và Sparta. Demaratus, một người Hy Lạp sống lưu vong tại Ba Tư biết được âm mưu này, ông đã tìm mọi cách để đưa tin về quê nhà. Để qua được sự khám xét tra hỏi tại các trạm gác dọc đường, ông đã viết thư lên trên hai thanh gỗ dầy và phủ sáp ra ngoài, làm như vậy các bức thư đó đã trở nên “vô hình”. “Bức thư mật” đã được chuyển đến đúng nơi nhận một cách an toàn. Cách chuyển thông tin thật bất ngờ và sáng tạo và chính Hoàng hậu Cleomenes của Hy lạp đã biết cách để đọc được bức thư đó. Người Hy Lạp khẩn trương chuẩn bị lực lượng tự vệ. Ngày 23 tháng 9 năm 480 (Trc.CN), quân đội Hy Lạp đã đánh tan tác đội quân hùng mạnh của Ba Tư. Chiến thắng này có sự đóng góp  của các thông tin mật được chuyển một cách kịp thời.
Thất bại của “Âm mưu Babington” năm 1586
Babington là một nhà quý tộc Anh nhưng mang nhiều thù hận với Triều đình, ông là người cầm đầu trong âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh Elizabeth I và đưa Nữ hoàng Mary lên thay. Để thực hiện âm mưu này, Babington cùng một nhóm các nhà quý tộc khác tìm cách liên hệ với Nữ hoàng Mary. Các bức thư đều được mã hóa và chuyển đi một cách bí mật vào nơi bà bị quản thúc, nhưng một điều không may là Gifford, người làm nhiệm vụ liên lạc đưa thư, lại là một gián điệp phục vụ cho Triều đình. Mọi thư từ trao đổi, do vậy, đều bị kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Triều đình Anh lại có một nhà mã thám được coi là  xuất sắc bậc nhất Châu Âu khi đó, nhà ngôn ngữ học Philippes, nên việc giải mã và đọc nội dung của những bức thư đó không mấy khó khăn. Sau đó, các bức thư đã mã hóa đó còn bị giả mạo, viết thêm nội dung để Triều đình có thêm các thông tin cần thiết của những kẻ phản loạn. Giữa năm 1586 Babington cùng toàn bộ nhóm cầm đầu âm mưu bị bắt và xử tử hình, Nữ hoàng Mary sau đó cũng bị khép tội chết.
Bức điện mật của Zimmermann
Trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, chiến trường trên biển là một chiến trường ác liệt và chủ yếu do các tàu ngầm kiểm soát. Ngày 7/5/1915, tàu ngầm SM- 20 của Hải quân Đức đã bắn ngư lôi vào tàu chở khách Lusitania, trong tổng số 1.198 người thiệt mạng có 128 người Mỹ. Sau sự kiện này, để tránh việc nước Mỹ tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, người Đức đã phải cam kết rằng các tàu ngầm của Đức phải nổi lên mặt biển trước khi phóng ngư lôi, để tránh tấn công nhầm vào các tàu dân sự. Tuy vậy, với mong muốn sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến với quân Anh trên biển, tháng 1/1917 Bộ chỉ huy Tối cao Đức đã thuyết phục Chính phủ đi tới một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, còn việc làm cách nào để trì hoãn sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến là việc của Bộ Ngoại giao. Một chiến lược ngoại giao lớn để lôi kéo Mexico và Nhật Bản cùng tấn công nước Mỹ được Bộ trưởng Ngoại giao Đức Arthur Zimmermann đề ra và khẩn cấp gửi cho Đại sứ Đức tại Mỹ và Mexico.

Ngày 17/1/1917, Cơ quan Tình báo Anh đã thu được điện mật từ Bộ Ngoại giao Đức gửi cho Đại sứ Đức tại Mexico và Mỹ. Với nỗ lực phi thường của các nhà mã thám Anh, chỉ sau 2 tuần, nội dung bức điện đã được giải mã. Tiếp theo đó là một kế hoạch liên hoàn để lôi kéo và đánh lạc hướng nguồn thông tin một cách hiệu quả của Tình báo Hải quân Anh, Chính phủ Mỹ đã chính thức tham chiến với Đức. Đây là một trong những yếu tố quyết định cho kết quả của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, phân chia lại vai trò của Mỹ cũng như của các cường quốc khác ở Châu Âu.
Sự kiện này, một số nhà sử học đánh giá chiến công của cơ quan Tình báo Anh lớn hơn cả 3 năm hoạt động tích cực của ngành ngoại giao nước Anh để vận động Mỹ tham chiến với nước Đức.
Mật mã Navajo
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, có nhiều loại máy mã điện - cơ khí như Enigma (Đức), Purple (Nhật), TypeX (Anh) hay Sigaba (Mỹ) được đưa vào sử dụng. Có loại an toàn, có loại đã bị “phá khóa”, nhưng có một thực tế là trong các trận đánh trên chiến trường, người chỉ huy cần phải xử lý thông tin và ra quyết định tính theo từng giây, với các thao tác nhập thông tin - mã hóa - chuyển thông tin qua điện báo - nhập điện mật - giải mã, các máy mã đó đều quá chậm. Một loại mật mã đơn giản và đáp ứng hiệu quả nhất các yêu cầu chiến trường được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng - Mật mã Navajo - có thể xem như một loại “mã thoại” đầu tiên, một cách chuyển ngữ từ Tiếng Anh sang ngôn ngữ không phổ biến của người Navajo. Navajo là tên của một bộ lạc sống ở vùng Arizona, ngôn ngữ của họ là loại thổ ngữ khá riêng biệt, các bộ lạc quanh vùng cũng không hiểu được thổ âm của họ và cũng chưa có người nước ngoài nào biết về ngôn ngữ này.  
Đơn vị Mật mã Navajo đầu tiên được thành lập gồm 29 người, tiếp theo đó để khắc phục các vấn đề về ngôn ngữ “thổ dân” và ngôn ngữ hiện đại, các nhà lập mã đã cho ra đời một bản chuyển ngữ quy ước. Sau khoảng thời gian huấn luyện 2 tháng, những liên lạc viên này được đưa về các đơn vị Hải quân trên mặt trận Thái Bình Dương và phát huy một cách rất hiệu quả vai trò của mình. Tới cuối cuộc chiến tranh, có khoảng hơn 400 người tham gia đơn vị mật mã đặc biệt này. Năm 1968, người Mỹ công bố các bí mật về “đơn vị Mật mã” này, tướng Seizo Arisue, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nhật Bản đã thừa nhận, trong cuộc chiến Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương, cơ quan này đã rất thành công trong việc giải mã của một số đơn vị quân đội Mỹ khác nhưng họ vẫn bất lực trước những liên lạc bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ, khó hiểu đó. 
Kết luận

Quá trình phát triển của Mật mã có nhiều thăng trầm và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử.  Trong nhiều thời điểm, mật mã có vai trò sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức cũng như với cá nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng một loại mật mã không đủ mạnh đôi khi lại gây ra những hậu quả khó lường, bởi khi ấy sự tin tưởng vào mật mã sẽ tạo ra tâm lý chủ quan và đánh giá sai về khả năng bảo mật và an toàn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới