Tham dự Lễ kỷ niệm có đ/c Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đ/c Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đ/c Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ TT&TT; Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu thướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ. Cùng tham dự còn có các đại biểu đến từ các tập đoàn, tổng công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT; đại diện các cơ quan, đơn vị về giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng CNTT và đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội đang hoạt động trong lĩnh vực ATTT.
Cách đây 10 năm, ngày 20/12/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm VNCERT với nhiệm vụ điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc, cảnh báo kịp thời các vấn đề về an toàn mạng máy tính, thúc đẩy hình thành hệ thống các đơn vị ứng cứu trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và là đầu mối thực hiện hợp tác với các tổ chức ứng cứu nước ngoài.
Thời gian đầu, mặc dù có rất nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất nhưng VNCERT đã nỗ lực triển khai các hoạt động, góp phần đặt nền tảng cho việc bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Công nghệ thông tin và Truyền thông của đất nước. Trung tâm VNCERT đã tích cực phối hợp tham mưu cho các cấp chính quyền, các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án về an toàn thông tin; Xây dựng và phát triển được mạng lưới ứng cứu sự cố với hơn 120 đơn vị thành viên là các bộ phận ứng cứu tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; Duy trì hoạt động diễn tập ứng cứu sự cố trong nước và quốc tế để sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công mạng, xây dựng và vận hành các hệ thống kỹ thuật quốc gia về bảo đảm an toàn thông tin....
Đặc biệt, tháng 10/2015, Trung tâm VNCERT đã tổ chức thành công chương trình diễn tập quốc tế quy mô lớn, với sự tham gia của hơn 100 đội ứng cứu trên cả nước và 13 quốc gia trên thế giới, đồng thời tuyển chọn và hướng dẫn đội tuyển Việt Nam tham gia, giành chức vô địch cuộc thi an toàn mạng Cyber Seagame 2015.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “VNCERT là cơ quan nhà nước đầu tiên chuyên trách về an toàn thông tin, được thành lập vừa để thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia, vừa để triển khai các cam kết quốc tế của Việt Nam về an toàn thông tin. Do đó VNCERT có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Việt Nam và quốc tế, là một mắt xích trong mạng lưới phối hợp đối phó với các tấn công mạng trong khu vực và trên toàn cầu”.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, trung tâm VNCERT cần tập trung: Đẩy mạnh công tác điều phối, ứng cứu sự cố trên toàn quốc, tập hợp và tận dụng nguồn lực của đội ngũ ứng cứu sự cố trong và ngoài nước; Tổ chức, triển khai mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia theo cả chiều rộng và chiều sâu; tích cực triển khai các hoạt động giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin; Nghiên cứu và đề xuất triển khai các hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng trên phạm vi quốc gia; Tăng cường giám sát thu thập thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác; Chủ động nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các cơ chế đột phá để thu hút nhân lực có trình độ cao cho công tác bảo đảm an toàn thông tin, ứng cứu sự cố….
Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Bày tỏ sự tri ân với các thế hệ cán bộ đã góp phần xây dựng VNCERT trong giai đoạn vừa qua và lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, đ/c Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT khẳng định: Trong thời gian tới, VNCERT sẽ tập trung vào các giải pháp để triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về đảm bảo ATTT trong xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện Quyết định 78 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ của VNCERT, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trước khi diễn ra buổi lễ, Trung tâm VNCERT đã tổ chức Tọa đàm “Định hướng triển khai Luật An toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử”.
Các khách mời chia sẻ tại buổi Tọa đàm
Tại phiên Tọa đàm, đ/c Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nêu định hướng để triển khai 3 mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng chính phủ, điều quan trọng nhất là phải tăng cường đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin. Đ/c Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã chia sẻ về vai trò và trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin cho các ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang triển khai đồng bộ bốn nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao: Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong mọi tình huống; Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước; Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước; Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Trong Luật An toàn thông tin mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự.
Trước đó, ngày 23/12/2015, VNCERT đã phối hợp cùng với Cơ quan an toàn thông tin của Hàn Quốc (KISA) tổ chức Hội thảo Tổng kết hoạt động thông tin, cảnh báo ứng cứu sự cố mã độc gián điệp, tấn công có chủ đích năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc VNCERT phát biểu khại mạc Hội thảo.
Hội thảo đã diễn ra với 2 phiên. Phiên thứ nhất được diễn ra vào buổi sáng với chủ đề “Phân tích tình hình an toàn thông tin Việt Nam và tấn công DdoS theo xu hướng mới”. Một số báo cáo quan trọng đã được trình bày và thu hút sự chú ý của các đại biểu như: Hoạt động thông tin cảnh báo, điều phối, ứng cứu sự cố ATTT năm 2015 và định hướng 2016 do ông Hà Hải Thanh (VNCERT) trình bày; Kết quả giám sát ATTT 2015 và định hướng giám sát ATTT đối với hệ thống, dịch vụ CNTT của Chính phủ Điện tử năm 2016 do ông Trần Tuấn Anh, (VNCERT) trình bày. Bên cạnh đó là một số bài tham luận như: Góc nhìn kỹ thuật về xu hướng của các tấn công DdoS hiện đại và các biện pháp phòng vệ; APT - tấn công mạng sử dụng kỹ thuật cao và hệ thống phòng chống thế hệ mới; Chiến lược phòng chống tấn công và tăng cường khả năng ứng phó các đe dọa tinh vi nguy hiểm về ATTT mạng.
Phiên thứ 2 được diễn ra cùng ngày vào buổi chiều với chủ đề “Kỹ thuật phát hiện và phân tích mã độc hại” được trình bày bởi bà Song JiHwon (KISA) với 2 tham luận: Kỹ thuật phân tích mã độc APT và Kỹ thuật phân tích mã độc trên thiết bị di động với các trường hợp điển hình. Các đại biểu tham dự hội nghị đã tích cực đưa ra các câu hỏi cho các diễn giả, đại diện VNCERT và KISA.
Cùng thời gian diễn ra hội thảo, tại Bộ TT&TT, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VNCERT và KISA đã diễn ra với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.