Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT là đầu mối chủ động xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức diễn tập về an toàn thông tin mạng đối với những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát mã độc trên hệ thống
Bộ TT&TT cũng chịu trách nhiệm đánh giá, sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác an ninh, an toàn thông tin mạng; Khẩn trương xây dựng phương án ứng cứu khẩn cấp, bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết phiên họp tháng 7/2016 cũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ. Các Bộ, cơ quan, địa phương tự thành lập Tổ công tác rà soát, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Việc siết chặt công tác bảo đảm an toàn thông tin trong khối CQNN là rất cần thiết và cấp bách tại thời điểm này, sau khi hệ thống thông tin của Vietnam Airlines và một số đơn vị khác đã bị tin tặc tấn công vào chiều 29/7 vừa qua. Website chính thức của Vietnam Airlines đã bị tấn công thay đổi giao diện và không thể truy cập được thông tin cá nhân hơn 410.000 hội viên Chương trình Bông sen vàng của hãng bị hacker công bố lên mạng. Hệ thống màn hình, loa phát thanh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng bị hacker can thiệp, phát các nội dung "lạ". Đến hết ngày 1/8, hệ thống tại các cảng hàng không mới hoạt động hoàn toàn bình thường trở lại.
Được biết, trước thời điểm website Vietnam Airlines bị deface khoảng 2 tiếng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ đã phát cảnh báo tới tất cả các đơn vị liên quan. Sau khi sự cố xảy ra, VNCERT và Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT cũng đã trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật đến hiện trường cùng với Vietnam Airlines, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) và các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT, HiPT... khẩn trương khắc phục sự cố. Tính đến thời điểm này, VNCERT đã phát đi ba cảnh báo liên quan đến việc tăng cường kiểm tra mã độc, đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống với địa chỉ nhận là các Sở TT&TT địa phương, các doanh nghiệp viễn thông... Bản thân Bộ TT&TT cũng đã có công văn khẩn gửi các cơ quan trung ương, các UBND địa phương và Tập đoàn, Tổng công ty lớn yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát bảo đảm an toàn thông tin.
Trong các diễn biến mới nhất, website của báo Sinh viên Việt Nam và Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena tiếp tục bị tin tặc tấn công. BKAV cũng vừa lên tiếng cảnh báo về việc phát hiện mã độc tấn công VNA ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác và thúc giục các đơn vị này gấp rút rà quét hệ thống, gỡ bỏ mã độc.