Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin dùng thiết bị F5 BIG-IP
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm NCSC cho biết, qua công tác theo dõi thông tin trên không gian mạng và hoạt động hợp tác, chia sẻ thông tin với các tổ chức lớn về an toàn thông tin trong và ngoài nước, Trung tâm đã phát hiện nhiều hệ thống thông tin sử dụng thiết bị F5 có khả năng bị tấn công thông qua lỗ hổng trong thiết bị F5 BIG-IP Traffic Management User Interface - TMUI.
Lỗ hổng được định danh CVE-2020-5902 ảnh hưởng các phiên bản của BIG-IP từ 11.x đến 15.x cho phép đối tượng tấn công chèn và thực thi mã từ xa, chiếm quyền kiểm soát hệ thống. Đây là lỗ hổng bảo mật đặc biệt nghiêm trọng, được phát hiện trong giao diện người dùng quản lý lưu lượng truy cập của thiết bị 5F BIG-IP. Khai thác thành công lỗ hổng này, đối tượng tấn công có thể thu thập thông tin, có khả năng tạo hoặc xóa tệp, vô hiệu hóa các dịch vụ, chạy các lệnh hệ thống với mã Java tùy ý, chiếm quyền kiểm soát hệ thống mục tiêu.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2020, có hơn 8.000 thiết bị trên Internet đang có nguy cơ bị tấn công bởi lỗ hổng bảo mật này trong tổng số 621.257 host/địa chỉ IP public đang sử dụng F5 BIG-IP.
Qua đánh giá sơ bộ của Trung tâm NCSC, Việt Nam có hàng trăm hệ thống đang sử dụng thiết bị F5 BIG-IP. Đây là những hệ thống đầu tiên nằm trong mục tiêu của đối tượng tấn công sẽ tìm đến.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Trung tâm NCSC đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin có khả năng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng CVE-2020-5902 và có phương án xử lý, khắc phục. Các cơ quan, đơn vị cũng được đề nghị rà soát lại toàn bộ hệ thống thông tin của mình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng bảo mật. Tăng cường giám sát hệ thống, thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và tổ chức lớn về an toàn để phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công mạng.
Tuệ Minh