Cần một chiến lược an toàn thông tin quốc gia

14:18 | 19/08/2016 | AN TOÀN THÔNG TIN
Xây dựng Chiến lược bảo đảm an toàn mạng quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, dịch vụ trọng yếu của quốc gia. Đó là nội dungđã được thảo luận tại Hội thảo về Bảo mật và an toàn thông tin do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/8, tại Hà Nội.


 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì Hội thảo. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, đại diện các Cục, Vụ chức năng liên quan thuộc Bộ, đại diện các nhà mạng VNPT, Mobifone. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia bảo mật, an toàn thông tin đến từ Công ty Verint (Israel).

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thông tin và khẳng định đây là vấn đề Việt Nam hết sức quan tâm. Bộ TT&TT dự định sẽ xây dựng một đề án về Chiến lược An toàn thông tin mạng Việt Nam để trình Chính phủ. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin, Bộ trưởng cho biết có thể xem xét khả năng hợp tác về tập huấn, đào tạo kỹ năng ứng cứu sự cố máy tính với doanh nghiệp bảo mật trên thế giới, trong đó có Israel. Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các hãng bảo mật chia sẻ thông tin về cảnh báo rủi ro, nguy cơ về an toàn, an ninh mạng.

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Công ty Verint cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay xác định không gian mạng là mặt trận thứ tư (cùng với biển, đất liền, không trung), đòi hỏi sự phòng vệ ở tầm cỡ quốc gia.

Đại diện Verint nhận định: Trong nhiều trường hợp, tấn công vào một doanh nghiệp, tổ chức nhưng lại gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đó là trường hợp của Sony Pictures bị hacker tấn công. Những vũ khí, công cụ hacker sử dụng là công cụ trực tuyến trên mạng. Mục tiêu, động cơ tấn công là gây hoảng loạn, khủng bố. Ban đầu chỉ là đánh cắp thông tin doanh nghiệp, sau đó là khủng bố.

Liên quan đến trường hợp hệ thống mạng của Vietnam Airlines bị tấn công gần đây, đại diện Verint cho biết công ty này đã thu thập được nhiều thông tin, đặc biệt là từ Trung tâm đặt tại Đài Loan và sẵn sàng chia sẻ những thông tin này cho phía Việt Nam. Sau vụ việc Vietnam Airlines, vấn đề cần đặt ra ở đây là: Cần phải tìm hiểu cách thức hacker tấn công thế nào, tại sao chọn Vietnam Airlines là mục tiêu? Sử  dụng công cụ gì? Trình độ của tin tặc như thế nào? Đây mới là những vấn đề quan trọng khi thiết lập mạng lưới bảo vệ an toàn mạng quốc gia.

Từ đó, vị đại diện này khẳng định: Chiến lược bảo đảm an toàn mạng quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu, dịch vụ trọng yếu của quốc gia như: hạ tầng viễn thông, hệ thống truyền tải điện, hệ thống ngân hàng, dịch vụ an sinh xã hội…

Trên cơ sở chiến lược ấy, xác định được cần phải bảo vệ những cơ quan nào, từ  đó xác định hạ tầng cơ sở, xác định được nền tảng độc hại, đối tượng tấn công độc hại, các tổ chức trọng yếu phải xây dựng chiến lược bảo vệ, từ đó tìm ra giải pháp bảo vệ mạng chung của quốc gia.

Một nội dung quan trọng không kém, cũng theo chuyên gia đến từ Verint, là phải nhận diện được hiểm họa tấn công mạng. Đây là vấn đề khó định lượng. Từ đó, giải quyết, gỡ bỏ, ngăn cản hiểm họa, tạo ra cách thức tiếp tục bảo vệ an toàn cho hệ thống trọng yếu. Trong trường hợp của Vietnam Airlines, nguy cơ bị tấn công không phải là những tín hiệu cảnh báo riêng lẻ, mà đây là hiểm họa tổng hợp đến từ một nhóm người. Họ tìm ra điểm yếu trong hệ thống từ đó triển khai tấn công vào các điểm yếu này. Vì vậy, cần phải tìm hiểu các thông tin chi tiết để ngăn ngừa các cuộc tấn công trong tương lai.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Verint đã giới thiệu giải pháp Trung tâm Phòng thủ Quốc gia (NDC), là một giải pháp hoạt động rộng khắp trên mạng thông tin trục quốc gia. Giải pháp này cần đến nhiều lớp khác nhau.

Lớp thứ nhất là trục thông tin quốc gia. Giám sát trục này rất quan trọng, do đó phải triển khai giải pháp nền tảng dữ liệu lớn tại các ISP. Từ giám sát đó, nhận diện được thông tin người sử dụng Internet, người sử dụng di động…. 

Lớp thứ hai: Từ những thông tin dữ liệu lớn này sẽ tiến hành phân loại lưu lượng dữ liệu, từ đó phát hiện hiểm họa, trích xuất thông tin. Hiện nay, nhiều quốc gia đã triển khai các hệ thống phân tích dữ liệu lên tới nhiều tetrabit/s nhằm giúp phát hiện hiểm họa nhanh chóng.

Lớp thứ ba có nhiệm vụ trích xuất dữ liệu và tạo ra lưu lượng thông tin thực tế. Lớp này tổng hợp thông tin từ email, trình duyệt web, dòng chảy của mạng dữ liệu lớn, từ đó tạo ra bức tranh toàn thể về an toàn mạng trên nhiều phương diện.

Lớp thứ  tư có vai trò xử lý thông tin, xây dựng hồ sơ và chỉ số cho những thông tin đó. Ở tầm quốc gia, hàng ngày phải tạo ra được hàng tỷ hồ sơ thông tin (từ email, mạng xã hội…) từ đó quản lý và xây dựng giải pháp. Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý hàng tỷ tỷ gói thông tin như vậy mỗi ngày. Với đầy đủ công cụ, dữ liệu trong tay, các chuyên gia có thể kết nối các điểm thông tin, từ đó có được bức tranh tổng thể, có được manh mối, chủ động xác định hiểm họa để ngăn ngừa tấn công. 

Do có khả năng nhận diện hiểm họa, và đánh giá được hệ thống thông tin có kẽ hở gì, các cơ quan an toàn thông tin quốc gia sẽ hiểu được tình huống, nhận diện được tổ chức nào có nguy cơ bị tấn công. “Hiểu” ở đây nghĩa là nắm bắt được thông tin chiều sâu, không đơn thuần chỉ là những tín hiệu cảnh báo.

Cũng tại Hội thảo, đại diện đến từ VNPT, Mobifone ... đã có những trao đổi, thảo luận sâu với chuyên gia đến từ công ty Verint về các giải pháp an toàn thông tin do công ty này cung cấp .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới