Bàn luận về các nguy cơ trong kỷ nguyên chiến tranh mạng

15:10 | 07/12/2015 | AN TOÀN THÔNG TIN
Từ ngày 2-4/12/2015, Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 - AVAR 2015 đã được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, với chủ đề "Kỷ nguyên chiến tranh mạng - The Age of Cyber Warfare". Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông và được ủy quyền của Hiệp hội AVAR từ Hồng Kông, Tập đoàn Công nghệ CMC vinh dự đại diện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị AVAR 2015.
Hội nghị đã quy tụ được hơn 150 chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, các giám đốc công nghệ, giám đốc bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách an toàn thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc danh tiếng nhất thế giới.

Dự Hội nghị, phía Việt Nam có: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng; ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của các Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT.... Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị của Ban; đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC có ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc. 

Về phía khách quốc tế có: ông Allan G. Dyer, Chủ tịch Hiệp hội AVAR; ông Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu F-Secure Phần Lan; ông Dennis Batchelder, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm phòng chống mã độc toàn cầu Microsoft….


Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu - AVAR 2015

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT đã đọc thư chúc mừng Hội nghị của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Trong thư, Phó Chủ tịch nước có viết: "Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu - AVAR 2015 là Hội nghị có quy mô quốc tế về ATTT đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Với sự kiện này, Việt Nam không chỉ được đón tiếp những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực an ninh, ATTT mà còn chính thức ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới về lĩnh vực chuyên sâu và cao cấp nhất - lĩnh vực an toàn, bảo mật…. Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ mở đường tạo tiền đề tốt cho các sự kiện Hội nghị quốc tế tương tự sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian tới".


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhiệt liệt hoan nghênh sự kiện quốc tế về an ninh, ATTT lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng đã nêu tóm tắt một số sự kiện nổi bật về ATTT diễn ra tại Việt Nam thời gian vừa qua. 

Thứ trưởng mong muốn, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia tham dự hội nghị AVAR 2015 sẽ hợp tác chặt chẽ trong tiến trình sắp tới, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật như các quy hoạch, kế hoạch, các đề án, để đảm bảo ATTT cho quốc gia. Thứ trưởng cũng hy vọng sự thành công của Hội nghị AVAR 2015 sẽ góp phần xây dựng một thế giới số an toàn. 


Ông Allan G. Dyer, Chủ tịch Hiệp hội AVAR phát biểu chào mừng Hội nghị

Mở đầu Hội nghị là bài diễn thuyết của ông Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu F-Secure Phần Lan với chủ đề “Bảo vệ tương lai của chúng ta”. Ông là người đã khám phá, đặt tên cho virus Storm Worm và được coi là một trong những "huyền thoại" trong giới bảo mật. Ông cũng là người được vinh danh trong danh sách "100 người có tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất thế giới" và "50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet". Bài phát biểu của ông đã nhấn mạnh về các dạng khủng bố và tội phạm mạng, các mối nguy cơ đang de dọa an ninh, ATTT và ảnh hưởng của chúng trong tương lai tới hệ thống mạng của các tổ chức/doanh nghiệp. Từ đó, ông đã đưa ra các xu hướng an ninh cần bảo vệ cho tương lai như vấn đề giao thông, ứng dụng Internet of Things và đồng tiền ảo.... 


Ông Mikko Hypponen trình bày bài tham luận chính tại Hội nghị

Tiếp đó là bài thuyết trình của Dennis Batchelder, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm phòng chống mã độc toàn cầu Microsoft với chủ đề “Phân tích các mối hiểm họa bảo mật toàn cầu và châu Á”. Ông đã cảnh báo về mối nguy hiểm đối với người dùng cuối khi sử dụng Internet qua các máy tính bị tấn công và nhiễm mã độc, bằng những dẫn chứng, số liệu cụ thể. Đồng thời, ông cũng giới thiệu cách thức triển khai phòng chống mã độc từ Microsoft.

Diễn giả Righard Zwienenberg, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp ESET trong bài diễn thuyết với chủ đề “Sự cộng tác trong ngành - Nên hay không nên? Thành công hay thất bại?” đã đề cập tới vấn đề hợp tác giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực phòng chống mã độc trong việc chia sẻ thông tin, nhằm giải quyết các mối nguy hiểm có hiện hữu trên toàn cầu. 

Đại diện cho giới bảo mật Việt Nam trình bày tại Hội nghị năm nay là hai chuyên gia Thành Nguyễn và Kha Nguyễn đến từ VNSecuruty, nhóm nghiên cứu Bảo mật hàng đầu tại Việt Nam. Với chủ đề “Các chiến dịch tấn công có chủ đích vào ngành Internet tại Việt Nam”, hai diễn giả đã phân tích chi tiết về một số hoạt động tấn công, bao gồm kỹ thuật tấn công, các công cụ, các phần mềm độc hại được sử dụng đồng thời thuyết minh về các kỹ thuật hữu ích, các công cụ để phát hiện và phân tích mã độc. Hai chuyên gia đánh giá, Việt Nam hiện vẫn đang là mục tiêu của các cuộc tấn công có chủ đích, nhắm đến các tổ chức viễn thông, Internet hàng đầu tại Việt Nam. Hầu hết các cuộc tấn công đều được thực hiện một cách chuyên nghiệp, tinh vi và đa số các tổ chức tại Việt Nam đều không có giải pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn các cuộc tấn công này.

Cùng với những bài thuyết trình của các diễn giả chính, tại ngày thứ 2 của Hội nghị, các khách mời được tham dự 20 phiên trình bày và thảo luận khác từ các diễn giả đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực bảo mật như Kaspersky, Intel Security, AVAST, AVIRA, Trendmicro, Tencent, AV Test, Quick Heal, BitDefender, ESET, Microsoft.... Các chuyên gia đã phân tích các cuộc tấn công có chủ đích; đảm bảo an toàn trong kỷ nguyên IoT, bảo vệ điện thoại thông minh, nêu thực trạng phòng chống mã độc và gợi ý các giải pháp khắc phục sự cố về mất ATTT.

Bên lề Hội thảo có khu triển lãm, trưng bày các sản phẩm, công nghệ bảo mật tiên tiến của các hãng chuyên về ATTT hàng đầu trên thế giới. 


Các đại biểu tham quan triển lãm tại Hội nghị

Hội nghị AVAR 2015 là nơi kết nối, giúp cho các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội gặp gỡ các chuyên gia bảo mật tầm cỡ quốc tế và giúp người dùng Internet nói chung nhận thức đầy đủ hơn về tính hai mặt của Internet.

Hiệp hội các Nhà nghiên cứu mã độc Châu Á (Anti-Virus Asian Researchers Association), là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập vào năm 1998 tại Hồng Kông. Hiệp hội quy tụ khoảng hơn 200 thành viên gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực ATTT trên toàn thế giới như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ… Sứ mệnh chính của Hiệp hội là kết nối các nhà nghiên cứu ATTT quốc tế, tạo ra một tiếng nói chung trong công cuộc nghiên cứu, ngăn chặn sự lây lan của các phần mềm độc hại và góp sức chống lại tội phạm an toàn, an ninh mạng trên toàn thế giới. 

Hội nghị AVAR là sự kiện quy mô quốc tế về an toàn thông tin được tổ chức thường niên tại nhiều quốc gia do từng đơn vị thành viên của Hiệp hội đứng ra đăng cai. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia ATTT hàng đầu thế giới cùng các doanh nghiệp đầu ngành về ATTT như Microsoft, Intel, Mc Afee, Kaspersky…. 


Tin cùng chuyên mục

Tin mới