Viettel Cyber Security: Chặng đường khẳng định vị thế dẫn đầu ngành An toàn thông tin

14:00 | 13/08/2021 | DOANH NGHIỆP
Sự kiện Việt Nam thăng hạng xếp thứ 25 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (CGI) 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế được đánh giá là sự kiện nổi bật về an ninh mạng trong năm 2021. Thành tựu này đạt được nhờ có sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin. Trong đó, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security - VCS) là đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong việc bảo vệ sự ổn định, an toàn của quốc gia trên không gian mạng cũng như dẫn dắt thị trường an toàn thông tin.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT trao đổi với Lãnh đạo VCS  tại Sự kiện An toàn thông tin Việt nam năm 2020.

Những mốc lịch sử đáng nhớ

Vào dịp tháng Tám hàng năm, những “người lính” đảm bảo cho sự an toàn không gian mạng Việt Nam tại VCS lại đong đếm thành quả của mình để long trọng báo công trong ngày Truyền thống của đơn vị (14/8/2014 – 14/8/2021). Tiền thân là Ban An toàn thông tin - được thành lập vào năm 2011 với nhiệm vụ chính là đảm bảo an toàn thông tin cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đến nay, thừa kế bề dày lịch sử của Tập đoàn, VCS đang cố gắng hết mình với vị thế: nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng lớn nhất Việt Nam.

Nắm bắt xu hướng bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của internet kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an toàn trên không gian mạng, ngày 14/8/2014 Tập đoàn Viettel thành lập Trung tâm An ninh mạng Viettel, với trọng trách xây dựng các công cụ giải pháp phòng thủ và thực hiện đánh giá, kiểm định các hệ thống nhằm bảo vệ an toàn thông tin cho Tập đoàn. Đồng thời, Trung tâm cũng là nơi thực hiện nghiên cứu, phát triển các giải pháp sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin để đưa vào triển khai trên môi trường mạng. Đây được coi là cột mốc quan trọng và được lấy làm Ngày truyền thống của Công ty An ninh mạng Viettel.

Năm 2018, trong bước chuyển dịch chiến lược của Tập đoàn Viettel “kinh doanh toàn cầu và thực hiện sứ mệnh kiến tạo xã hội số”, ngày 11/12/2018, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã ký quyết định thành lập Công ty An ninh mạng Viettel với vai trò thực hiện nghiên cứu phát triển chuyên sâu các giải pháp an toàn thông tin, đồng thời cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngay tại thời điểm thành lập, VCS đã trở thành đơn vị chuyên về an toàn, an ninh thông tin số 1 Việt Nam về số lượng và chất lượng nhân sự.

Là người gắn bó với VCS từ những ngày đầu, ông Mai Xuân Cường, Trưởng phòng An ninh hệ thống ứng dụng cho biết “Ngày truyền thống (14/8/2014) có một ý nghĩa đặc biệt với cán bộ, nhân viên VCS. Việc thành lập Trung tâm An ninh mạng Viettel đánh dấu mốc quan trọng trong định hướng phát triển của đơn vị, định vị của chúng tôi không chỉ còn là chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin cho nội bộ Tập đoàn nữa, mà xa hơn phải cung cấp được dịch vụ, các sản phẩm an toàn thông tin ra bên ngoài, đảm bảo an toàn thông tin cho các tổ chức và doanh nghiệp khác. Đây cũng được xem là một bước đi trước vô cùng quan trọng, khi mà chỉ 2 năm sau (2016), các đợt tấn công APT bùng phát tại Việt Nam, Trung tâm đã sẵn sàng nguồn lực để triển khai hỗ trợ cho nhiều đơn vị Bộ, Ban, ngành và doanh nghiệp khác”.

VCS: khẳng định vị thế tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực An toàn thông tin

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cho đến nay, VCS đã có hơn 300 nhân sự, với nhiều chuyên gia người Việt hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, sở hữu nhiều chứng chỉ an toàn thông tin uy tín và danh tiếng như CISSP, CCIE, Security+… VCS đã xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên sâu ở mảng tìm lỗ hổng bảo mật, nhất là các lỗ hổng của các nền tảng lớn như: Facebook, Google, Microsoft… với hơn 300 lỗ hổng Zero-day đã được phát hiện trên các nền tảng. Nhờ việc phát hiện ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng trên các nền tảng này, nhiều nhân sự của VCS được vinh danh trong nhóm các kỹ sư bảo mật hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Sơn Hải, CEO của VCS cho biết: “VCS với sứ mệnh là nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn nhất Việt Nam, với con người Việt, quy trình Việt và sản phẩm Việt, để cung cấp cho phần lớn các tổ chức/doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và hạ tầng trọng yếu của quốc gia”. Hiện tại, các sản phẩm của VCS tập trung ở các sản phẩm như: Dịch vụ Giám sát An toàn thông tin mạng (MSS); Giải pháp giám sát bất thường trên máy trạm (VCS-aJiant)... Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của quá trình vận hành, phản ứng sự cố an toàn thông tin, tháng 11/2020 VCS đã ra mắt giải pháp cập nhật tri thức an ninh mạng VCS-Threat Intelligence.

Ngoài ra, giải pháp phân tích hành vi bất thường VCS-KIAN của VCS đã áp dụng các công nghệ đột phá như AI, Machine learning,… với sự toàn diện, nâng cao khả năng dựa trên quy luật (rule-based), lấy con người làm chủ công nghệ cốt lõi và tích hợp công nghệ mới tối, ưu hoá vận hành, giúp tăng tốc khả năng phát hiện và ứng phó với các rủi ro. 100% các sản phẩm này đều được nghiên cứu, phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ nhân sự của công ty.

Nhiều sản phẩm của VCS thời gian qua đã đạt các giải thưởng danh giá trong nước cũng như trên thế giới như: Giải Vàng và Bạc tại IT World Awards 2020; các giải thưởng dành cho các hacker mũ trắng trên thế giới như White Hat 9, Snatching The Hat. Về nghiên cứu chuyên sâu, VCS đã đứng đầu trong bảng xếp hạng các nhà nghiên cứu lỗ hổng bảo mật của Twilio và BugCrowd. VCS cũng nằm trong top 5 thế giới tại cuộc thi Tấn công mạng Pwn2Own trong năm 2020 và năm 2021. Đặc biệt, năm 2020, Công ty nhận được danh hiệu Nhà cung cấp dịch vụ quản lý an ninh mạng tốt nhất Việt Nam của giải thưởng Quốc tế danh giá Frost & Sullivan khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

VCS vinh dự nhận 02 giải thưởng Sao Khuê 2021 về sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu trong lĩnh vực Bảo mật và an toàn thông tin

Hiện nay, VCS đang lãnh trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng mạng lưới viễn thông trên toàn cầu của Viettel tại 11 thị trường. Mỗi năm, hệ thống phòng thủ của Công ty An ninh mạng Viettel ngăn chặn hàng chục nghìn cuộc tấn công an ninh mạng của tin tặc trên thế giới vào hệ thống của Viettel và khách hàng. Công ty hiện cũng đang cung cấp giải pháp an ninh mạng, rà soát lỗ hổng, ứng cứu và xử lý sự cố cho hơn 100 khách hàng là các Bộ, Ban, Ngành và các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Văn hóa doanh nghiệp đề cao sự bứt phá, học hỏi

Tại ngôi nhà chung của VCS, mọi nhân sự đều thấm nhuần văn hóa của Công ty, nhưng luôn tôn trọng sự khác biệt, cá tính của các cá nhân. Điều đó làm nên tính đột phá, sáng tạo cho tổ chức, mở không gian cho những tư duy mới mẻ và thành tựu vượt bậc.

Đứng trước thách thức nguồn nhân lực an toàn thông tin của Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá khan hiếm, VCS vẫn là nơi đào tạo và giữ chân những chuyên gia mang tầm cỡ thế giới. Lãnh đạo VCS tin tưởng rằng: “Điểm hấp dẫn của Viettel nói chung và VCS nói riêng là nhân sự ở đây đang được tự phát triển sản phẩm mới, thỏa sức sáng tạo và thể hiện năng lực. Trong số các ý tưởng sản phẩm ấy có nhiều sản phẩm được kỳ vọng sẽ được thị trường quốc tế đón nhận nồng nhiệt”.

Những giá trị cốt lõi được tạo dựng trong qúa trình xây dựng và phát triển đã giúp VCS luôn giữ vững vị thế nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn nhất Việt Nam. Trong tương lai gần, VCS tiến tới sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới với các sản phẩm mũi nhọn được các hãng phân tích thị trường đánh giá cao và đưa vào bảng xếp hạng các sản phẩm an toàn thông tin tiêu biểu toàn cầu; Khẳng định vị thế tiên phong, dẫn đầu của VCS trong lĩnh vực an toàn thông tin và chủ lực kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.

Nguyệt Thu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới