Mỹ công bố chiến lược mới về an ninh mạng quốc gia
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc họp về an ninh mạng tại Nhà Trắng (tháng 8/2021)
Tầm nhìn chiến lược
Chiến lược an ninh mạng quốc gia là nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trên không gian mạng. Chiến lược nhấn mạnh, Mỹ xác định không gian mạng chính là công cụ để đạt được các mục tiêu “phản ánh các giá trị” của Washington như sự thịnh vượng kinh tế, xã hội công bằng và đa dạng; tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản; tin tưởng vào nền dân chủ và thể chế dân chủ của chính phủ Mỹ. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chính phủ Mỹ phải thực hiện những thay đổi cơ bản trong cách phân bổ vai trò, trách nhiệm và nguồn lực trong không gian mạng.
Chính phủ Mỹ phải cân bằng lại trách nhiệm bảo vệ không gian mạng bằng cách chuyển vai trò an ninh mạng của các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và chính quyền địa phương, sang các tổ chức, cơ quan chuyên môn và có năng lực tốt nhất để giảm thiểu rủi ro trên toàn nước Mỹ. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ phải sắp xếp lại các biện pháp khuyến khích để ưu tiên đầu tư dài hạn bằng cách tạo ra sự cân bằng giữa việc tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa cấp bách hiện nay, đồng thời lập kế hoạch chiến lược và đầu tư cho một tương lai bền vững.
Chiến lược công nhận rằng chính phủ phải sử dụng phối hợp tất cả các công cụ trong phạm vi quyền lực để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng và thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ. Về tầm nhìn, chiến lược đánh giá thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng, điều này đòi hỏi một cách tiếp cận có chủ đích, phối hợp và có nhiều nguồn lực hơn đối với phòng thủ trên không gian mạng.
Chiến lược nêu rõ việc Mỹ đang phải đối mặt với các mối đe dọa phức tạp với việc các chủ thể nhà nước và phi nhà nước thực hiện những chiến dịch mới đe dọa lợi ích của đất nước. Đồng thời, với các công nghệ thế hệ mới đang được phát triển, tạo ra những sự đổi mới sáng tạo cũng như làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kỹ thuật số. Chiến lược cũng vạch ra lộ trình để ứng phó với những mối đe dọa nói trên cũng như bảo đảm triển vọng đối với tương lai số của Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ phối hợp cùng các đồng minh và đối tác để bảo đảm phòng thủ trên không gian mạng trở nên được hiệu quả hơn, với các sự cố về an ninh mạng ít có “tác động lớn hoặc lâu dài”.
Cách tiếp cận của chiến lược
Về cách tiếp cận, chiến lược muốn xây dựng và tăng cường hợp tác xung quanh 5 trụ cột.
- Bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng: Chính phủ sẽ mang đến cho người dân niềm tin vào tính khả dụng và khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng quan trọng và các dịch vụ thiết yếu của các cơ sở hạ tầng đó, bao gồm: Mở rộng việc áp dụng các yêu cầu an ninh mạng tối thiểu trong các lĩnh vực quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn công cộng; Cho phép hợp tác công tư với quy mô cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các dịch vụ thiết yếu; Bảo vệ và hiện đại hóa hệ thống mạng Liên bang và cập nhật chính sách ứng phó sự cố của Liên bang trong toàn nước Mỹ.
- Ngăn chặn các mối đe dọa: Bằng cách sử dụng “mọi công cụ quyền lực quốc gia”, Mỹ sẽ khiến các tác nhân gây hại trên không gian mạng không còn khả năng đe dọa an ninh quốc gia hoặc sự an toàn của người dân nước này, trong đó giải quyết các mối đe dọa mã độc tống tiền thông qua cách tiếp cận toàn diện của Liên bang và đồng hành cùng các tổ chức quốc tế.
- Định hình các lực lượng thúc đẩy an ninh mạng và khả năng phục hồi: Chiến lược xác định chính phủ Mỹ phải “điều chỉnh trách nhiệm” tăng cường năng lực phòng thủ trên không gian mạng, thông qua việc chuyển đổi vai trò từ các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và chính quyền địa phương sang các tổ chức có năng lực nhất để giảm rủi ro. Bà Kemba Walden, Quyền Giám đốc An ninh mạng quốc gia Mỹ nhấn mạnh: “Những chủ thể lớn nhất, có năng lực nhất trong hệ sinh thái số của nước Mỹ nên gánh trách nhiệm lớn hơn đối với việc quản lý các rủi ro trong không gian mạng và bảo đảm an toàn cho hệ thống mạng của đất nước. Việc giao trách nhiệm cho cá nhân và tổ chức vốn thiếu nguồn lực để tự bảo vệ mình vừa không công bằng lại thiếu hiệu quả”.
- Đầu tư vào một tương lai vững mạnh: Thông qua những khoản đầu tư chiến lược cũng như phối hợp hành động, Mỹ sẽ tiếp tục đi đầu trong việc đổi mới các công nghệ thế hệ tiếp theo cũng như cơ sở hạ tầng. Trong đó, giảm thiểu các lỗ hổng mang tính hệ thống trên nền tảng Internet và toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số, đồng thời làm cho nó trở nên linh hoạt hơn. Ưu tiên các công nghệ mới như mã hóa hậu lượng tử, giải pháp nhận dạng số,… Bên cạnh đó, chú trọng đến việc phát triển lực lượng các chuyên gia, nhà nghiên cứu an ninh mạng đa dạng và mạnh mẽ hơn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để theo đuổi các mục tiêu chung: Mỹ cần tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác quốc tế giữa các quốc gia cùng mục tiêu chung để chống lại các mối đe dọa mạng, qua đó tạo ra các chuỗi cung ứng an toàn, đáng tin cậy cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông cũng như công nghệ vận hành.
Hoàng Hằng