Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong tình hình hiện nay

10:00 | 31/05/2022 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, cần được bảo vệ và phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng con người cách mạng và văn hóa cách mạng. Theo xu thế phát triển của lịch sử, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, trở thành môi trường thuận lợi để lưu trữ, truyền đưa thông tin về nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao nhận thức cách mạng của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không gian mạng còn là môi trường để các thế lực thù địch, phản động, chống đối ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước tình hình đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và nêu “khát vọng phát triển đất nước”. Như vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới, trên tất cả lĩnh vực, trong đó có không gian mạng.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, với việc chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ, truyền thông phát triển vượt trội, con người dễ dàng tiếp cận mọi thông tin thông qua mạng Internet... Mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, Youtube, Instagram, Linkedin, Google, Tiktok, Telegram…) trở thành môi trường trao đổi, truyền đưa thông tin, tác động tới tư tưởng, nhận thức của người sử dụng. Lợi dụng đặc tính ẩn danh, kết nối rộng, chia sẻ dễ dàng và lan tỏa thông tin nhanh, cùng sự đa dạng của các loại hình dịch vụ “truyền thông xã hội”, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng tiến hành nhiều hoạt động chống phá trong nước, đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHÁ HOẠI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Các đối tượng, tổ chức phản động thiết lập hơn hàng chục nghìn tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Youtube và các website, blog để đăng tải, tán phát thông tin xấu độc nhằm tấn công vào nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam; tung tin, cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả, thậm chí là bịa đặt, vu khống liên quan đến đời tư, quan hệ gia đình, sức khoẻ, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhằm chia rẽ nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Lợi dụng các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền tư tưởng cực đoan, bạo lực, kích động người dân biểu tình; tổ chức phản động lưu vong chỉ đạo cơ sở trong nước tiếp cận các điểm nóng, hô khẩu hiệu kích động người dân; quay phim chụp hình, đưa tin trực tiếp (livestream) tán phát lên không gian mạng theo hình thức truyền tin trực tiếp tại hiện trường.

Các thế lực thù địch, phản động, chống đối sử dụng không gian mạng để liên kết, móc nối, phát triển lực lượng trong nước, đào tạo, huấn luyện, hình thành và công khai hóa hội, nhóm xã hội dân sự có hoạt động chống đối trên không gian mạng. Chúng thành lập các nhóm Facebook, Fanpage mang màu sắc chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước dưới hình thức “công khai, kín và bí mật” có sự tham gia, liên kết giữa các đối tượng có cùng quan điểm chống đối, bất mãn, thành viên của các tổ chức phản động. Sử dụng mô hình hoạt động của nhóm Facebook, Fanpage, các đối tượng chống đối dễ dàng lôi kéo, kết nối các thành viên khác tham gia để đăng tải, tán phát, bình luận nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung công kích, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ và chế giễu hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo cấp cao; tán phát nhiều thông tin, bài viết liên quan đến nội bộ và kích động biểu tình.

KHÓ KHĂN THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng thời gian qua đã được triển khai có hiệu quả, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành, công tác này được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất và toàn diện trên các mặt công tác. Tuy nhiên, do khoa học công nghệ không ngừng phát triển, với bản chất nặc danh, xuyên biên giới, dễ lan truyền thông tin của không gian mạng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đó là: (1) Các doanh nghiệp xuyên biên giới về nội dung số chưa có phương án hiệu quả để kiểm soát thông tin thù địch, kích động thù hận, phỉ báng, làm nhục, vu khống; (2) Việc chấp hành, thượng tôn luật pháp ở quốc gia sở tại của các doanh nghiệp xuyên biên giới còn hạn chế, công tác phối hợp điều tra hành vi vi phạm pháp luật chưa đạt hiệu quả cao; (3) Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công nghệ cho phép tạo ra các hội kín, nhóm riêng tư trên không gian mạng, công nghệ vũ trụ ảo (metaverse) đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý; (4) Việc phối hợp thực hiện xử lý thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn chưa triệt để: (5) Nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ về các phương thức, thủ đoạn, nội dung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng còn hạn chế, chạy theo các nội dung giật gân, giải trí nên không nhận ra được các dụng ý, bản chất đằng sau những thông tin tuyên truyền tinh vi.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Một là, cần huy động cả hệ thống chính trị, đông đảo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại hoạt động tuyên truyền phá hoại nề tảng tư tưởng của Đảng. Cần nhận thức sâu sắc rằng, đối tượng của hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng là những con người cụ thể, là quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nền tảng tư tưởng của Đảng với hình thức phù hợp với tình hình mới, luôn giữ vai trò chủ đạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần và phương châm xây dựng, phát triển đất nước. Trước sự phát triển như vũ bão của không gian mạng, âm mưu, thủ đoạn, phương thức phá hoại của các thế lực thù địch cũng sẽ đổi mới, ngày càng tinh vi, nham hiểm nên cần phổ biến tới quần chúng nhân dân những thủ đoạn mới của chúng để nâng cao sức đề kháng chủ động phản bác, đấu tranh với thông tin xấu, độc.

Ba là, tăng cường công tác đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Nếu các thế lực thù địch, phản động, chống đối coi đây là một mặt trận hiệu quả thì ta cũng phải coi đây là một trong những không gian cần bảo vệ và phát triển. Các hình thức tuyên truyền phải phù hợp với xu hướng, thị hiếu, có phân tích, chọn lọc và biết tiếp cận, gần gũi, thân thiện và đi vào lòng quần chúng nhân dân nhất.

Bốn là, chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tập trung vào hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trên không gian mạng phù hợp với tình hình mới và thể chế chính trị của nước ta. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng, tính thượng tôn pháp luật quốc gia sở tại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Nguyễn Ngọc Cương (Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới